Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Làm mẹ - 04/20/2024

Mùa tựu trường cũng là mùa dễ xảy ra các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, nhất là ở môi trường học đường.

Một đứa trẻ bị tiêu chảy sau khi đi vệ sinh xong mà quên rửa tay sẽ để lại vi khuẩn ở bất cứ vật gì em cầm nắm. Phụ huynh và nhà trường cần đặc biệt lưu tâm những bệnh truyền nhiễm trẻ rất dễ mắc trong mùa tựu trường sau đây.

Tay chân miệng

Đây là một dạng bệnh nhiễm vi-rút gây loét miệng và nổi những mụt nước nhỏ trên bàn tay và bàn chân. Số lượng trẻ em nhiễm bệnh này ngày một tăng trong thời gian gần đây.

Tay chân miệng là dạng bệnh rất dễ lây lan, cần phải thực hành tốt việc vệ sinh, chẳng hạn rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh.

Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Cảm và cúm

Chẳng cần đợi đến 'mùa cảm' thì học sinh mới bị cảm. Cảm có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm và do 20 loại vi-rút khác nhau gây nên. Khi bị cảm, sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Chảy mũi, nhức đầu, ho, viêm họng, mệt mỏi... Phụ huynh cần cho các em uống nhiều nước và nghỉ ngơi.

Còn cúm thì xuất hiện với các triệu chứng như: Sốt, ho, đau cổ họng, đau đầu và chảy nước mũi, mệt mỏi, nôn ói...

Viêm hô hấp do vi-rút

Bệnh này rất dễ lây lan, đặc biệt khi tác nhân là vi-rút hợp bào gây bệnh đường hô hấp. Các triệu chứng bao gồm: Khó thở, ho, sốt, nghẹt mũi, thở khò khè.... Đặc biệt bệnh rất dễ khởi phát từ cuối mùa thu cho tới đầu mùa xuân.

Viêm họng do vi khuẩn Streptococcus nhóm A

Có thể gây sốt, đau dạ dày, đỏ và sưng amiđan. Do vi khuẩn gây bệnh Streptococcus có thể cư trú ở mũi và họng nên khi trẻ hắt hơi hoặc nắm tay nhau có thể truyền bệnh từ học sinh này sang học sinh khác. Bệnh thường được thầy thuốc điều trị bằng kháng sinh, trẻ em có thể bình phục sau vài ngày. Nếu không được điều trị thì ngoài các triệu chứng kể trên, còn xuất hiện thêm các vết ban màu đỏ, thường xuất hiện trên cổ, ngực, nách, khuỷu tay, háng và mặt trong đùi.

Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Nhiễm ký sinh trùng

Chí là một trong những ký sinh trùng, côn trùng nhỏ bé sống bám giữa các sợi tóc của con người và hút máu từ da đầu. Bé gái 3-12 tuổi có nguy cơ nhiễm loại ký sinh trùng này cao nhất; trẻ em nam vẫn mắc nhưng với tần suất thấp hơn. Chí rất dễ lây lan, đặc biệt nếu dùng chung mũ, lược chải hoặc tiếp xúc gần... Cần phải dùng thuốc diệt chí với sự hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ.

Bệnh do vi khuẩn, vi-rút khác

Trường học, lớp học nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng sẽ là nơi cư trú của vô số loại vi khuẩn, vi-rút. Để giúp trẻ em khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh ở trường học thì cũng cần tạo cho trẻ một hệ miễn dịch khỏe mạnh để có thể chống lại sự xâm nhập của những yếu tố gây bệnh. Cũng cần quan tâm đến dinh dưỡng cho trẻ em.

Theo nhiều nghiên cứu, nếu trẻ em được cho ăn rau cải và cá thì hệ miễn dịch sẽ được tăng cường đáng kể. Tránh cho trẻ em ăn quà vặt, uống nước giải khát có nhiều đường vì sẽ làm cho hệ miễn dịch suy yếu. Các tế bào bạch huyết cầu có khả năng tiêu diệt vi khuẩn sẽ bị suy yếu ít nhất là 6 giờ sau bữa ăn hoặc sau một lần uống nước giải khát chứa quá nhiều đường.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!