Phòng bệnh khi giao mùa

Cần biết - 04/29/2024

Trong giai đoạn giao thoa giữa hai mùa xuân - hè, nhiệt độ thay đổi thất thường (nóng, ẩm, lạnh...) là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, từ đó sản sinh ra nhiều bệnh, đặc biệt những bệnh có khả năng lây lan thành dịch. Vì vậy, cần có biện pháp phòng bệnh, nhất là cho trẻ em.

Một số bệnh thường xuất hiện khi giao mùa

Hiện tại, do sự giao lưu nhiều giữa các vùng, miền, trong khi bệnh sởi đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt năm vừa qua và giáp Tết, bệnh sởi không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn gặp khá nhiều ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai.

Lý do là chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều (không đủ số mũi tiêm và không tiêm nhắc lại). Bệnh sởi tuy lành tính nhưng nguy hiểm nhất là gây biến chứng.

Tiếp đến là các bệnh đường hô hấp, trong đó phải kể đến bệnh viêm đường hô hấp trên, điển hình là viêm họng, mũi. Đặc biệt nhất là bệnh viêm mũi dị ứng thường gặp ở người có cơ địa dị ứng. Triệu chứng điển hình nhất là chảy nước mũi, ngứa mũi và hắt hơi, thậm chí kèm đau đầu.

Các triệu chứng này có thể là triệu chứng của cảm cúm. Đáng lo ngại là trẻ em, rất có thể mắc bệnh viêm phế quản cấp, hen suyễn (trẻ em gọi là hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt).

Người bệnh có sốt, tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng, đôi khi có ho ra máu. Bệnh viêm phổi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, bệnh viêm xoang rất dễ xuất hiện, nhất là những người đã từng mắc bệnh đường hô hấp trên (tai, mũi, họng), hơn nữa, viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta.

Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.

Phòng bệnh khi giao mùa

Khi thời tiết giao mùa hay bị đau nhức xương khớp.

Khi thời tiết sắp giao mùa, một số bệnh về đường tiêu hóa có thể xuất hiện như tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy do Rotavirus hoặc bệnh tay chân miệng là những bệnh rất dễ lây lan thành dịch.

Cần lưu ý là bệnh tay chân miệng trước Tết Nguyên đán đã xuất hiện ở một số địa phương. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối...

Bệnh do một loại virut đường ruột gây ra, trong đó có chủng rất độc (Enterovirus71), có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi, cấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tính mạng người bệnh bị đe doạ. Đồng thời, bệnh rất dễ lây lan thành dịch ảnh hưởng đến rất nhiều trẻ em.

Bệnh dạ dày, viêm đại tràng cấp và mạn tính, khi chuyển mùa rất dễ xuất hiện. Các loại bệnh này thường có liên quan mật thiết đến ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng, tuy có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc do dùng một số thuốc làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày (thuốc điều trị khớp, thuốc giảm đau, hạ sốt), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua hoặc trong dịp Tết uống quá nhiều rượu, khi thời tiết khô hanh, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh này phát triển.

Nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa xuân - thu, những người có bệnh dạ dày sẽ tăng nguy cơ và tái phát triệu chứng do sự kích thích của không khí lạnh, lượng histamin trong máu tăng lên, dịch vị trong dạ dày bài tiết nhiều, đường tiêu hóa bị co bóp mạnh làm giảm sức đề kháng, bệnh dễ xuất hiện và tăng nặng thêm (nếu đã, đang bị bệnh dạ dày).

Khi thời tiết nóng, ẩm, lạnh đan xen, bệnh xương khớp rất dễ xuất hiện, nhất là người có tuổi, người bị viêm khớp mạn tính. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, hầu hết người bệnh về đến xương khớp rất khổ sở, bởi vì các triệu chứng đau nhức, tê buốt, sưng tấy các khớp tay, chân và hạn chế cử động do cứng khớp. Đồng thời, các bệnh về xương khớp tái phát hoặc tăng nặng làm cho người mệt mỏi, xanh xao, sút cân do ăn uống kém.

Một số bệnh liên quan đến vai trò của muỗi sẽ xuất hiện nhiều khi chuyển mùa như sốt xuất huyết, bệnh viêm não Nhật Bản, sốt rét. Ở nước ta, sốt xuất huyết có quanh năm nhưng giai đoạn sau Tết Nguyên đán có thể có nguy cơ gia tăng do thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển, nhất là muỗi vằn và muỗi hổ châu Á đóng vai trò truyền bệnh sốt xuất huyết.

Nguyên tắc phòng bệnh

Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi và con đẻ của chúng (bọ gậy) bằng mọi biện pháp và tránh muỗi đốt (nằm màn khi đi ngủ, ngay cả khi ngủ ban ngày, bởi vì muỗi vằn đốt người cả ban ngày, cả ban đêm) để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Để phòng bệnh sởi, ngành y tế cần tích cực tuyên truyền cho mọi người dân cho trẻ đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin sởi (những trẻ đến tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm nhắc lại, kể cả các trẻ bỏ sót hoặc bố mẹ quên chưa đưa trẻ đến tiêm chủng vắc-xin sởi bao giờ).

Với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, muốn mang thai, cần được tiêm vắc-xin sởi trước khi mang bầu, tốt nhất là nên tiêm vắc-xin kết hợp sởi - Rubella để phòng bệnh sởi và phòng cả bệnh Rubella.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!