Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người trưởng thành chiếm tỉ lệ cao hơn cả, trong đó có người cao tuổi. Nên làm gì để phòng viêm xoang mạn tính tái phát?
Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh mũi và thông với hốc mũi. Mặt trong xoang được lót bởi lớp niêm mạc liên tục với niêm mạc của hốc mũi.
Vì vậy, chúng cũng có tác dụng làm ấm, làm ẩm và lọc không khí từ bên ngoài đi vào. Xoang có vai trò làm nhẹ đầu, có tác dụng cộng hưởng và sưởi ấm không khí.
Mỗi người trưởng thành có năm đôi xoang, được chia làm hai nhóm: nhóm xoang trước (gồm xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm) thông với mũi qua các lỗ ở phía trước, nhóm xoang sau (xoang sàng sau, xoang bướm) thông với mũi qua các lỗ ở phía sau trên.
Đồng thời xoang cũng góp phần làm cho mỗi người có một giọng nói riêng do thể tích và cấu trúc xoang khác biệt. Bởi vì, không khí đi ra khi chúng ta nói va đập vào các thành xoang tạo nên những âm thanh đa dạng cùng với dây thanh âm của thanh quản.
Viêm xoang là gì?
Bình thường, các lỗ của xoang thông thoáng, dịch do xoang tiết ra và không khí luôn có sự lưu thông. Khi những lỗ này bị tắc nghẽn bởi viêm gây phù nề làm cho sự lưu thông bị ngừng trệ sẽ dẫn tới viêm xoang.
Nếu bệnh chỉ diễn biến trong vòng 4 tuần liên tục, được gọi là viêm xoang cấp tính. Khi bệnh kéo dài trên 8 tuần liên tục hoặc lâu hơn sẽ trở thành viêm xoang mạn tính. Có thể viêm nhiều xoang một lúc (viêm đa xoang).
Nguyên nhân viêm xoang gây làm ảnh hưởng xấu không nhỏ bởi những biểu hiện của nó rất khó chịu, tác động trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Nếu không có cách điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển nặng, tái đi tái lại nhiều lần trong thời gian dài và có thể gây biến chứng. Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm xoang cấp do nhiễm khuẩn sau cảm cúm, viêm mũi,viêm amidan… không được điều trị dứt điểm ngay từ đầu dẫn đến viêm xoang mạn tính.
Bởi vì, nhiều trường hợp các biểu hiện bệnh dường như không rõ ràng cho nên việc phát hiện viêm xoang lúc này rất khó hơn nữa do sự nhầm tưởng rằng mình chỉ đang mắc một bệnh nào đó hoặc là tàn dư của bệnh cũ.
Một số trường hợp viêm xoang mạn tính do sau khi bị chấn thương, các niêm mạc xoang cũng có thể bị tổn thương do đó nguy cơ nhiễm khuẩn xoang cũng rất cao làm cho chất nhầy ở xoang bị ứ đọng gây tắc nghẽn, không thông thoáng tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh (vi nấm, vi khuẩn) xâm nhập.
Hoặc do tuyến nhầy của niêm mạc xoang hoạt động quá nhiều khi tiếp xúc với các chất kích ứng trong khi người cao tuổi sức đề kháng đã suy giảm.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi (không theo chỉ định của bác sĩ) trong thời gian dài cũng là một nguyên nhân cơ bản để vi khuẩn gây bệnh tấn công gây viêm xoang.
Viêm xoang mạn tính có thể gặp ở người sống trong môi trường bị ô nhiễm (khói, bụi, ẩm thấp, thiếu vệ sinh…), hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào) hoặc người mắc bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm mũi, họng mạn tính, hen suyễn, khí phế thũng, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính…).
Ngoài ra, thay đổi thời tiết, nhất là lúc chuyển mùa từ nóng sang lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt, hanh khô hoặc gió mùa đông bắc tràn về, áp thấp nhiệt đới là những điều kiện để bệnh viêm xoang mạn tính tái phát, đặc biệt là viêm xoang mạn tính do dị ứng thường gặp ở người có cơ địa dị ứng, người làm việc trong môi trường có quá nhiều khói bụi, ẩm thấp, thiếu vệ sinh.
Triệu chứng
Triệu chứng thường gặp nhất là nhức đầu nặng ở các xoang biểu hiện ở mức độ nhẹ. Dịch tiết màu vàng hoặc hơi xanh hoặc có chảy mủ từ mũi hoặc xuống phía sau cổ họng (nếu viêm xoang sau thường nhức đầu vùng sau, nhức ê ẩm vùng chẩm và gáy sau).
Do dịch nhầy nhiều nên gây cản trở hoặc tắc nghẽn mũi, gây khó thở bằng mũi (thở bằng mồm). Ngoài ra, có thể đau nhức và sưng quanh mắt, má, mũi, trán.
Bên cạnh những triệu chứng xuất hiện ở các xoang, còn có thể có những triệu chứng khác như: viêm họng, viêm họng hạt, hơi thở hôi, buồn nôn do dịch viêm chảy qua thành họng…
Các triệu chứng của viêm xoang mạn tính sẽ tăng nặng thêm khi chuyển mùa nhất là lạnh, mưa, ẩm ướt, tắm nước lạnh hoặc để vùng cổ, đầu bị lạnh nhất là những lúc ra khỏi nhà.
Nên làm gì?
Trước hết, khi sắp đến lúc thời tiết chuyển mùa nên tái khám bệnh ở chuyên khoa tai mũi họng để điều trị trước khi mùa lạnh tới, nếu có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp càng cần được khám bệnh sớm để ngăn chặn bệnh tái phát.
Cần tránh lạnh (tắm rửa bằng nước ấm), mặc ấm và giữ ấm cho toàn bộ cơ thể nhất là vùng cổ, ngực, ngay cả tay chân khi ra khỏi nhà.
Cần giữ vệ sinh mũi họng bằng cách đánh răng hàng ngày (trước và sau khi ngủ dậy, sau khi ăn) và súc họng, miệng bằng nước muối loãng (nước muối sinh lý). Người mang răng giả cần vệ sinh bộ răng giả hàng tuần.
Mùa lạnh, chế độ ăn uống với người bị viêm xoang mạn tính cũng nên được lưu ý, không nên ăn, uống các thức ăn, nước uống đã lạnh, nguội. Hàng ngày nên uống nước ấm, hạn chế uống bia lạnh, nước giải khát lạnh, có đá.
Nếu có điều kiện nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất là người đã có tuổi. Bên cạnh đó, nên tập hít thở không khí trong lành (tránh tập thể dục ở gần đường có nhiều xe cộ qua lại hoặc nơi đông người, nơi có nhiều khói, bụi…) ngày hai lần (sáng và chiều muộn) mỗi lần nên từ 20 - 30 phút.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!