Mặc dù còn tranh cãi nhưng theo nhiều chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam, nếu ăn nhiều nước chấm công nghiệp và mì tôm có chứa chất bảo quản E102 và E105 thì có thể bị ung thư.
Sản xuất thực phẩm chứa chất cấm
Chất tạo màu, chất bảo quản E 102 và E 105 là hai phụ gia gây tranh cãi suốt thời gian qua. Theo các chuyên gia thực phẩm, hai chất này là phụ gia, không phải chính gia nên không cần sử dụng. Và điều đặc biệt là nếu sử dụng lâu có thể gây ra các bệnh ung thư, dị ứng.
PGS, TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cho biết, hiện nay các loại chất E 102 có trong mì tôm, E 105 có trong các loại nước chấm công nghiệp mà người ta vẫn gọi là nước mắm thực sự đáng báo động, đây là chiêu bài sản xuất cần được cảnh báo tới người tiêu dùng.
TS Đáng cho biết đã đến lúc cần phân biệt rõ nước chấm và nước mắm, không thể để người dân bị đánh lừa giữa hai khái niệm. Không thể để nước chấm công nghiệp mượn tên của nước mắm và nước chấm công nghiệp có chứa chất bảo quản sử dụng lâu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.
Giá trị dinh dưỡng của nước chấm công nghiệp cực thấp (Ảnh minh họa: Internet)
Cùng quan điểm này, PGS TS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay chúng ta đang nhầm lẫn giữa các khái niệm nước chấm và nước mắm. Nước mắm cổ truyền hoàn toàn khác với các loại nước mắm đóng chai quảng cáo trên ti vi.
Các sản phẩm nước chấm được quảng cáo rầm rộ trên ti vi thực ra được pha chế từ hương liệu và có chứa chất bảo quản. Ngay cả giá trị dinh dưỡng của nước chấm công nghiệp cũng cực thấp.
Nước mắm cổ truyền là làm từ cá, muối, nước và cho lên men tự nhiên bằng cách ướp theo một tỉ lệ cá và muối nhất định trong khoảng thời gian 1-1,5 năm cho tới khi các chất đạm trong cá được phân hủy hết rồi tăng thêm dần lượng muối để chắt nước cốt mắm. Sau đó tiếp tục bổ sung nước để nấu lại để có được nước mắm hạng 2, hạng 3.
Đó là toàn bộ nguyên liệu để làm nên nước mắm. Và nước mắm thật không được có phẩm màu và chất ngọt tổng hợp, không được dùng chất sát khuẩn. Còn nước chấm hiện nay thì có tất cả.
Chất phụ gia không cần thiết
Nói về các chất phụ gia còn đang gây tranh cãi được cho vào thực phẩm, PGS. TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, trong thức ăn nhanh, đặc biệt là các sản phẩm đóng túi chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Các chất phụ gia chỉ được sử dụng ở mức độ cho phép, điều các chuyên gia lo ngại là nhà sản xuất thường 'nâng' tỉ lệ cho phép lên.
PGS Lê Bạch Mai cho biết, các chất phụ gia, đặc biệt là nhóm E, hầu như cơ thể con người không cần dung nạp bởi cơ thể chúng ta chỉ thiếu các vitamin và khoáng chất. Quan điểm là không nên dùng những cái gì mà cơ thể không dùng.
Hiện nay, nhiều loại mỳ tôm ở Việt Nam đều công khai ghi có sử dụng chất tạo màu E102, là chất không bị tác động bởi nhiệt độ, độ a-xít (PH), quá trình oxy hóa cũng như ánh sáng mặt trời. Nhờ thế chất này được dùng nhiều trong công nghiệp nhuộm màu vải và tạo màu cho thực phẩm nói chung như các loại bánh ngọt, đồ uống có ga, kẹo cao su, snack…
Nhiều loại mỳ tôm ở Việt Nam công khai ghi có sử dụng chất tạo màu E102 (Ảnh minh họa: Internet)
Tại Nhật Bản, chất E102 từ lâu đã bị cấm dùng trong thực phẩm. Tại châu Âu, chất E102 cũng đang hạn chế sử dụng. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới khẳng định sự độc hại của phẩm màu E102 với sức khỏe người tiêu dùng.
TS Trần Đáng cho biết các chất như HT Brown, E105, E102… trong phẩm màu tổng hợp gây tăng động ở trẻ, dị ứng hoặc suy giảm chức năng sinh dục, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú...
Trước tình hình thị trường có nhiều loại hàng giả, người sản xuất hám lợi cho các chất bảo quản, hóa chất độc hại vào thực phẩm, TS Trần Đáng cho rằng hiện nay quản lý còn kém, phạt mới chỉ là hình thức, nên người dân phải tự biến mình thành người tiêu dùng thông thái.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!