Theo đó, tại hội thảo Ths.Bs Nguyễn Cảnh Chương, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến BV Phụ sản Hà Nội cho biết, ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh lý ác tính biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến tử cung.
Ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tư vong ở Việt Nam. Theo đó, thống kê năm 2012 tại Việt Nam có 5.136 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và 2500 ca tử vong vì bệnh này.
Bs. Chương cũng cung cấp thêm, hàng năm trên thế giới có 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung với gần 260.000 ca tử vong. Còn tại khu vực Đông Nam Á, ung thư cổ tử cung đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng ung thư cổ tử cung trên bản đồ thế giới.
Theo Bs. Chương một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, và khi phát hiện tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Nguyên nhân của ung thư CTC là do nhiễm 14 typ HPV, trong đó HPV 16 và HPV 18 là hai týp gây ra ung thư CTC nhiều nhất. Nhiễm dai dẳng 1 trong 14 týp HPV nguy cơ cao là nguyên nhân của hơn 99% ung thư CTC.
Bs. Chương cũng cho biết tại Việt Nam, phụ nữ khu vực miền trung bị nhiễm HPV nhiều nhất và trong số đó có tới 9,5% phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao là tuýp 16 và 18. Đáng nói là những nơi áp dụng chương trình tầm soát ung thư CTC chỉ chiếm khoảng 5% các ung thư ở phụ nữ.
Hội thảo về sản phụ khoa nhận được sự quan tâm của nhiều bác sĩ
Về các phương pháp dự phòng và sàng lọc ung thư CTC, Bs. Chương cho biết, dự phòng cấp 1 là tuyên truyền giáo dục về quan hệ tình dục an toàn và tiêm ngừa HPV, tiếp đến là phát hiện tác nhân gây ung thư CTC bằng xét nghiệm HPV DNA và các biến đổi tế bào bằng xét nghiệm tế bào học. Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định xét nghiệm này có độ nhạy 90-100% và đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt. Xét nghiệm này được áp dụng cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục.
Đối với xét nghiệm Pap để sàng lọc ung thư CTC đang được thực hiện khá phổ biến hiện nay, Bs Chương cho rằng Pap bộc lộ nhiều hạn chế như độ nhạy cảm thấp từ 40-75%, kết quả phụ thuộc vào chủ quan của người đọc...
Cũng tại Hội thảo này, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ một vấn đề rất thiết thực gần gũi đó là Giá trị nền tảng của việc điều trị bệnh viêm âm đạo và hướng tiếp cận mới tăng hiệu quả điều trị cũng như dự phòng viêm âm đạo.
Theo PGS Ánh, để chẩn đoán hệ sinh thái âm đạo bình thường hay bất thường chúng ta xem xét ở các góc độ của sự xuất hiện của các tế bào biểu mô âm đạo và khuẩn hệ đâm đạo.
Đối với hệ sinh thái âm đạo khoẻ mạnh thì khuẩn hệ âm đạo là trực khuẩn Lactobacillus chiếm ưu thế, các vi khuẩn kỵ khí PH ở mức 3,5-4,5. Mức độ “khoẻ mạnh”của âm đạo phụ thuộc vào số lượng của trực khuẩn Lactobacillus.
Bởi trực khuẩn này có tác dụng bảo về chống lại nhiễm khuẩn. Lactobacillus nó sản sinh ra lactic axid thành phần bảo vệ chính ức chế vi sinh vật, kích hoạt hệ thống miễn dịch, chống lại vi khuẩn gr âm, đồng thời sản xuất ra bacteriocine một dạng protein có tác dụng diệt vi khuẩn ngoại lai.
Tại Hội thảo các đại biểu cũng được nghe những chủ đề đang được nhiều người quan tâm như Khuyến cáo lâm sàng dựa trên bằng chứng trong đánh giá và quản lý hội chứng buồng trứng đa nang 2018 của Ths. Hồ Mạnh Tường; Sự cần thiết tiêm phòng cúm cho thai phụ và các đối tượng nguy cơ khác của GS.TS Nguyễn Trần Hiển; Độc tính của thuốc tê và phác đồ xử trí ngộ độc thuốc gây tê của Ts. Bs Trần Thế Quang…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!