Phụ nữ mang thai mắc bệnh gan cần chú ý những gì?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh gan ở thai phụ là một vấn đề khá phức tạp và cần được theo dõi và tư vấn bởi cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ chuyên khoa gan trong suốt thai kỳ.

Một số bệnh gan có thể gặp ở tất cả mọi người, nhưng lại có khuynh hướng diễn tiến nặng, phức tạp ở người có thai.

Viêm gan siêu vi B

Thông thường thai kỳ gây dung nạp miễn dịch do vậy thai phụ dễ trở thành người mang siêu vi mạn tính. Lá nhau là màng chắn rất tốt chống lại sự lây lan của siêu vi, do đó lây nhiễm HBV qua tử cung lúc em bé còn bào thai rất hiếm xảy ra. Vấn đề quan trọng nhất đối với thai phụ mang HBV mạn tính là nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con vào lúc sinh.

Cách phòng ngừa lây từ mẹ sang con: tầm soát thường quy HBsAg ở tất cả thai phụ hiện nay là chuẩn mực, bất kể họ đã chích ngừa hay chưa hoặc trước đó có kiểm tra thấy HbsAg âm tính. HBV không làm tăng nguy cơ tử vong, cũng không gây bất thường cho thai nhi, vì vậy, nhiễm HBV trong thai kỳ không phải là lý do để chấm dứt thai kỳ. Nếu phụ nữ có nhiễm siêu vi viêm gan B mạn tính thì ngay từ khi quyết định có thai cần tham vấn cả bác sĩ sản khoa và bác sĩ gan mật để đánh giá khả năng lây nhiễm sang em bé.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh gan cần chú ý những gì?

Chủng ngừa cho trẻ sơ sinh khá hữu hiệu để giảm lây nhiễm từ mẹ sang con

Tỉ lệ lây bệnh của viêm gan siêu vi B từ mẹ có thai sang em bé tùy thuộc tình trạng nhiễm siêu vi viêm gan B của bệnh nhân. Tình trạng lây nhiễm này cao hơn nếu người mẹ có xét nghiệm HBeAg (+) và/hoặc nồng độ HBV-DNA trong huyết thanh cao. Nếu siêu vi đang phát triển và sinh sản mạnh tức HBV-DNA >200.000IUml và/ hoặc HBeAg (+), tỉ lệ lây sang em bé từ trên 50 - 90%. Nếu siêu vi phát triển và sinh sản kém thì tỉ lệ lây không cao, khoảng 30%. Nếu siêu vi ở dạng không hoạt động tức HBV-DNA (-) và HBeAg (-) thì tỉ lệ lây nhiễm thấp đi rất nhiều, có thể dưới 10%.

Đa số lây nhiễm xảy ra trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh đẻ do thai nhi tiếp xúc với máu và dịch tiết đường sinh dục của mẹ. Tỉ lệ lây nhiễm có thể thấp hơn khi mổ bắt con nhưng đây không phải là chỉ định để phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con. Hiện nay sử dụng thuốc chủng ngừa và kháng thể HBIg cho trẻ sơ sinh là phương cách khá hữu hiệu để giảm lây nhiễm từ mẹ sang con.

Trẻ sơ sinh có mẹ mang HBsAg (+)  đều phải được chủng ngừa và tiêm kháng thể thụ động HBIg trong 12h sau sinh theo khuyến cáo của WHO, điều này đã làm giảm tỉ lệ lây nhiễm từ >90%  xuống còn <10%. Vị trí tiêm kháng thể HBIg phải khác vị trí tiêm vắc-xin Engerix B. Sau đó, tiếp tục tiêm ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B liều thứ 2 khi bé được 1 - 2 tháng tuổi và liều thứ 3 khi bé được 6 tháng tuổi. Khi trẻ được 6 tháng nếu xét nghiệm HBsAg (+) nghĩa là thất bại với việc điều trị kháng thể, trẻ đã bị nhiễm HBV từ mẹ, như vậy không cần tiêm vắc-xin mũi thứ 3 này.

Nếu mẹ có nồng độ HBV-DNA > 200.000 IU/ml được xem là ngưỡng giới hạn phải sử dụng thuốc chống siêu vi để ngăn ngừa lây nhiễm chu sinh. Thuốc chống siêu vi bắt đầu vào tuần 28 của thai kỳ và nên ngưng vào lúc sinh đến 3 tháng sau sinh.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh gan cần chú ý những gì?

Tầm soát thường quy HBsAg ở tất cả thai phụ hiện nay là chuẩn mực

Bú mẹ không có chống chỉ định. Những thuốc chống siêu vi bài tiết rất ít trong sữa mẹ. Tuy nhiên dù nguy cơ thấp vẫn nên trao đổi trước với bà mẹ. Hiện nay chưa có đủ bằng chứng lâu dài về độ an toàn ở trẻ em có mẹ dùng thuốc chống siêu vi trong thai kỳ trong lúc cho con bú.

Viêm gan siêu vi C

Về tình trạng bệnh của thai phụ: nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ bị viêm gan C thì có nồng độ HCV-RNA tăng và mô học gan có thể xấu hơn trong thai kỳ.

Về tình trạng lây nhiễm từ mẹ sang con: mức độ lây nhiễm siêu vi viêm gan C từ mẹ sang con thấp hơn lây nhiễm siêu vi viêm gan B. Lây nhiễm HCV chỉ xảy ra khi nồng độ HCV-RNA cao. Mổ bắt con không ngăn ngừa được hiện tượng lây nhiễm này. Bú mẹ cũng chưa được chứng minh là có chống chỉ định tuyệt đối để giảm lây nhiễm HCV từ mẹ sang con.

Điều trị hiệu quả viêm gan C trước khi mang thai là cách tốt nhất để ngăn chặn lây nhiễm HCV từ mẹ sang con.

Muốn xác định chính xác trẻ sơ sinh có bị lây nhiễm siêu vi viêm gan C từ mẹ hay không thì nên làm xét nghiệm anti-HCV lúc trẻ được 18 tháng tuổi.

Hiện vẫn chưa có thuốc chích ngừa siêu vi viêm gan C.

Bệnh gan do rượu

Nghiện rượu thường làm cho phụ nữ rất khó mang thai. Một phụ nữ nghiện rượu mang thai có thể gặp một số bất thường cho thai nhi như: dị dạng, chậm phát triển, hoặc tăng nguy cơ sinh non.

Ths.BS. Nguyễn Hiền Minh

Phòng khám Viêm gan - BV. Nguyễn Tri Phương

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!