Phòng tránh suy kiệt sức khỏe sau sinh
Trong suốt quá trình mang thai và sinh nở, cơ thể mẹ là nguồn cung năng lượng và chất dinh dưỡng duy nhất cho bé phát triển. Chưa kể đến hiện tượng mất máu và đổ mồ hôi khi sinh con cũng khiến người mẹ gần như mất đi toàn bộ năng lượng. Ngoài ra, sinh con xong cơ thể mẹ lại phải tích lũy nguồn dinh dưỡng để tạo sữa cho con bú.
Cả quá trình dài này có thể đầy hạnh phúc nhưng lại lấy đi rất nhiều sức lực của người mẹ. Nếu mẹ không chú trọng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và ổn định tâm lý có thể dẫn tới hiện tượng suy nhược cơ thể sau sinh.
Việc kiêng cữ sau sinh đúng vào dịp nghỉ Tết có thể sẽ gặp nhiều rắc rối hơn bình thường (Ảnh minh họa: Internet)
Bảo đảm sức khỏe thể chất sau sinh
Chế độ ăn uống
Mùa Tết kéo dài từ giữa tháng Chạp đến tận rằm tháng Giêng. Trong khoảng thời gian này, ông bà nội ngoại, thậm chí cả các bố luôn phải quay cuồng với công việc cuối năm cũng như mua sắm, lễ lạt, thăm nom… nên có phần bỏ bê việc chăm con, chăm cháu.
Thêm vào đó, thực phẩm những ngày Tết đa phần chứa nhiều nếp, mỡ, bánh kẹo, hành muối, dưa chua… không phù hợp với thực đơn dinh dưỡng cho mẹ đang ở cữ. Vì vậy, bên cạnh các món ăn truyền thống ngày Tết cho cả gia đình cũng cần có chế độ ăn riêng cho mẹ mới sinh.
Các mẹ nên tăng cường ăn các món lợi sữa như đu đủ hầm, quả sung… và nên ăn lúc nóng. Bữa ăn phải đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và thay đổi thường xuyên để người mẹ có cảm giác ngon miệng. Bên cạnh đó chị em cần chú ý ăn thêm rau quả (chuối, rau má, rong biển…), chất xơ, uống đủ nước hàng ngày (nên uống nước ấm) để đảm bảo chất lượng sữa cho bé bú.
Mẹ không nhất thiết phải kiêng chất tanh nhưng phải chọn đồ tươi và tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng đồng thời tránh các gia vị quá cay, nóng, tránh chất cồn và các chất kích thích khác.
Một niềm vui rất lớn với gia đình là sự có mặt của bé yêu trong năm mới (Ảnh minh họa: Internet)
Chế độ sinh hoạt
Bên cạnh việc kiêng cữ sau khi sinh, mẹ vẫn cần giữ cho cơ thể được sạch sẽ và thoải mái, đặc biệt là dịp Tết nhất có nhiều bà con, bạn bè vào thăm hai mẹ con. Mẹ đã có thể tắm gội, chỉ cần chắc rằng nước đủ ấm, phòng tắm kín gió và phải tắm trong thời gian ngắn để tránh cảm lạnh.
Ngoài ra, việc chuẩn bị cỗ bàn, thu dọn nhà cửa… không phải là việc thích hợp với mẹ vừa sinh con. Đấy là chưa kể đến khách khứa ra vào thăm hỏi liên tục làm giấc ngủ của mẹ và bé bị gián đoạn cộng với việc thức đêm chăm con khiến sức khỏe của mẹ suy yếu dẫn đến suy nhược cơ thể.
Bảo đảm sức khỏe tinh thần sau sinh
Ngày Tết mẹ phải kiêng khem đủ thứ trong khi thực đơn của gia đình lại ê hề bánh, thịt… có thể khiến mẹ bầu nảy sinh tâm lý so sánh, chán nản. Thêm vào đó, việc mọi người bận rộn chuẩn bị lễ Tết, du xuân, ăn uống đầu năm trong khi mẹ chỉ có thể quanh quẩn trong phòng bé, thiếu sự quan tâm, hỏi han của gia đình nội ngoại cũng là nguyên nhân gây ra tâm lý tủi thân ở mẹ mới sinh. Những ức chế về tinh thần này là một trong số những tác nhân chính làm giảm tiết sữa ở mẹ, không đảm bảo được nguồn sữa dồi dào cho bé bú.
Sau khi sinh, các mẹ cũng trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương và khả năng chịu đựng kém. Nếu điều kiện ở cữ không đủ tốt hoặc phải làm việc nhiều khiến mẹ mệt mỏi, thậm chí có thể gây trầm cảm sau sinh.
Vì thế, mẹ nên mở lòng mình hơn, tìm cơ hội tâm sự, trò chuyện với mọi người đồng thời tự chủ trong việc nghỉ ngơi, ăn uống tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Mẹ cũng có thể tế nhị nói chuyện với ông bà để điều chỉnh sinh hoạt của cả nhà chút xíu giúp mẹ dễ bắt kịp nhịp sống của đại gia đình, từ đó tìm ra tiếng nói chung, tránh cảm giác cô đơn, tủi thân trong những ngày đầu năm mới.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!