Tuyên truyền chính sách dân số cho người dân ở huyện Sông Hinh, Phú Yên. Ảnh: TL
Nâng cao chất lượng dân số
Thời gian qua, do tình hình tổ chức chưa ổn định, chế độ đãi ngộ còn quá thấp nên đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã thường xuyên chuyển công tác; những người mới thay chưa có kỹ năng diễn đạt trước đám đông cũng như nghiệp vụ quản lý công tác DS-KHHGĐ... Vì vậy, công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp còn hạn chế.
Tuy nhiên, với sự nhiệt tình và tâm huyết của cán bộ DS-KHHGĐ các cấp, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Phú Yên trong những năm qua đã đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỉ suất sinh thô giảm từ 12,06‰ năm 2016 xuống 11,5‰ năm 2018; năm 2019 giảm 0,2‰, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tỉnh giao.
Cộng tác viên dân số đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Ảnh: TL
'Nhìn chung, người dân hiện nay đã dần nhận thức được những lợi ích khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã dần chấp nhận quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm đến việc giáo dục giới tính sớm cho vị thành niên/thanh niên. Phụ nữ trong đội tuổi sinh đẻ đã quan tâm và tự nguyện tham gia các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Xã hội đã dần thấy được hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sự già hóa dân số và các thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi', BS Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết.
Theo BS Vũ Ngọc Dững, đạt được kết quả trên là nhờ tỉnh đã huy động toàn hệ thống chính trị - xã hội, các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và những người có uy tín trong cộng đồng tham gia các hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ. Xác định công tác DS-KHHGĐ là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nên các địa phương, đơn vị đều đưa chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ vào nghị quyết, kế hoạch công tác năm.
Năm 2020, ngành DS-KHHGĐ Phú Yên phấn đấu:
4 Mức giảm tỉ lệ sinh 0,2‰; 4 Mức giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên: 0,2%; 4 Tỉ số giới tính khi sinh ở mức
Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng phù hợp với các nhóm đối tượng liên quan về các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, tập trung tuyên truyền về việc tham gia sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh; giáo dục giới tính, SKSS, sức khỏe tình dục, KHHGĐ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện KHHGĐ, CSSKSS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các bệnh thường gặp ở người cao tuổi…
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
Họp triển khai công tác tại Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa, Phú Yên). Ảnh: TL
Ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết: Trong giai đoạn 2016-2019, Phòng Truyền thông phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai chương trình sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong, giúp cho trẻ sinh ra đời phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, phòng ngừa các hậu quả nặng nề của bệnh và cải thiện tương lai phát triển của trẻ; giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh đó, các đề án, chương trình về công tác dân số cũng được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai, như Đề án Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 94 xã có nguy cơ cao về tình trạng này. Các nội dung tuyên truyền giáo dục của đề án bao gồm thực trạng, nguyên nhân, hậu quả, hệ lụy lâu dài của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại cơ sở.
Truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên của Ban DS-KHHGĐ phường 6 (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Ảnh: TL
Tại các địa phương cũng triển khai đồng bộ các hoạt động của đề án trong các chiến dịch, các đợt truyền thông nhóm nhỏ, tại hộ gia đình; cán bộ cơ sở lồng ghép tuyên truyền về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi cho người dân, cấp phát tờ rơi cho các đối tượng, hộ gia đình. Tiếp tục duy trì 15 CLB Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với đối tượng là vị thành niên/thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm trang bị kiến thức về tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 2 huyện miền núi Sông Hinh và Đồng Xuân…
BS Vũ Ngọc Dững nói: 'Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGÐ; nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác dân số, SKSS/KHHGĐ; tăng cường các dịch vụ sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt là các gói dịch vụ thiết yếu, bảo đảm quyền sinh sản và đáp ứng nguyện vọng chính đáng, phù hợp với mọi đối tượng'.
Không chỉ đưa chương trình DS-KHHGĐ vào chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu hàng năm, nhiều địa phương, xã, phường, thị trấn của Phú Yên còn đầu tư thêm ngân sách cho công tác này. Cụ thể như hỗ trợ kinh phí cho các chiến dịch trong năm; tổ chức các truyền thông trọng điểm; bồi dưỡng cho người đình sản, đặt vòng tránh thai; bổ sung thù lao cho cộng tác viên DS-KHHGĐ...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!