Bác sĩ Đặng Phương Liên trả lời như sau: "Van động mạch phổi ngăn cách giữa động mạch phổi với tâm thất phải của tim, cho phép máu đi từ tâm thất phải lên động mạch phổi để trao đổi ôxy. Khi van động mạch phổi bị hở làm cho một lượng máu đáng lẽ đi vào động mạch phổi, lại trào ngược lại tâm thất phải. Điều này khiến tâm thất phải sẽ phải làm việc nhiều hơn nhằm đảm bảo bơm đủ lượng máu lên động mạch phổi, dần dần làm tâm thất phải bị giãn và phì đại thành cơ.
Hở van động mạch phổi rất hiếm gặp. Hở van động mạch phổi ít khi do bẩm sinh, thường gặp là do các bệnh tim mắc phải gây nên hở van động mạch phổi: hàng đầu là hẹp van hai lá, u nhầy nhĩ trái gây tăng áp lực động mạch phổi, sau đó là do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. U Carcinoid hoặc thấp tim cũng có thể gây hở van động mạch phổi, song thường gây hẹp van nhiều hơn. Còn gặp hở van động mạch phổi thứ phát trong hội chứng Marfan do giãn động mạch phổi.
Bệnh nhân hở van động mạch phổi thường có triệu chứng khó thở khi gắng sức và biểu hiện của suy tim phải. Bằng siêu âm Doppler tim, các bác sĩ có thể phát hiện tổn thương và chẩn đoán bệnh. Hở van động mạch phổi nguyên phát có tiên lượng tốt, ít khi cần xử trí trừ phi gây ra suy tâm thất phải. Đối với hở van động mạch phổi thứ phát, tiên lượng hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của bệnh chính như hẹp van hai lá khít, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, u carcinoid, tăng áp lực động mạch phổi...
Điều trị ngoại khoa bằng thay van hoặc sửa vòng van động mạch phổi chỉ được áp dụng trong một số tình huống rất hãn hữu. Trong tình huống của bạn có chẩn đoán hở van động mạch phổi nhẹ tại bệnh viện tỉnh, bạn cần tuân thủ chỉ định chữa trị của bác sĩ, tái khám định kỳ".
Chúc sức khỏe!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!