Phương pháp và mẹo điều trị bệnh trĩ tại nhà

Cần biết - 11/24/2024

Ai cũng có thể mắc bệnh trĩ và thường có tâm lý e ngại khi đi chữa bệnh. Nếu không nghiêm trọng, bạn có thể tự điều trị tại nhà.

Bệnh trĩ thường gây cảm giác khó chịu và bất tiện.

Bệnh trĩ là gì?

Ở trong và quanh hậu môn hoặc vùng trực tràng dưới có các búi tĩnh mạch có thể căng và phình lên dưới áp lực cao. Khi những tĩnh mạch này bị căng ra quá mức hoặc phồng lên đột ngột sẽ trở thành trĩ. Trĩ có thể có ở bên ngoài (trĩ ngoại) hay bên trong (trĩ nội). Căn bệnh này thường không nguy hiểm, tuy nhiên đôi khi có thể gây đau, ngứa hay chảy máu cho bệnh nhân.

Triệu chứng của trĩ

Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất là chảy máu nhưng không đau khi đại tiện. Nếu để ý có lẽ bạn sẽ thấy một ít máu trên giấy vệ sinh hay bồn cầu. Ngoài ra còn có các triệu chứng ngứa, đau hoặc phồng nhẹ xung quanh hậu môn. Vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng này, do đó bạn nên đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng trên để có thể loại bỏ các vấn đề sức khỏe khác.

Nguyên nhân dẫn đến trĩ?

Người bị mắc bệnh trĩ nếu bị táo bón hay tiêu chảy thường xuyên, bưng bê các vật nặng quá sức hoặc hay đi đại tiện, đại tiện lâu. Trĩ thường thấy ở người già và người béo phì. Nếu đang mang thai hay có bố mẹ từng mắc trĩ thì cũng có khả năng bạn sẽ bị mắc bệnh này.

Cách nào để chẩn đoán?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng ngứa, chảy máu hoặc một số triệu chứng khác, kết hợp thăm khám bên trong hậu môn, trực tràng bằng ngón tay và soi hậu môn. Nội soi có thể tiến hành ở đại tràng sigma hay đại tràng. Những kiểm tra này cho phép bác sĩ kiểm tra bên trong đại tràng, hậu môn để loại bỏ những nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng trên.

Phương pháp và mẹo điều trị bệnh trĩ tại nhà

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Trĩ nội:

Tĩnh mạch bên trong hậu môn phát triển lớn và phình lên, thậm chí có thể chảy máu. Trĩ nội thường không đau. Đôi khi nó có thể phình to và tràn ra ngoài hậu môn gọi là búi trĩ sa và lúc đó có thể gây đau hay ngứa.

Trĩ ngoại:

Trĩ có thể xuất hiện ở vùng dưới da gần hậu môn. Loại trĩ này có thể đau và ngứa, đôi khi có chảy máu. Bạn có thể cảm thấy hơi cộm, đó là do cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch. Những cục huyết khối này sẽ gây đau và khó chịu cho bệnh nhân.

Sa búi trĩ và huyết khối

Khi trĩ nội bị phình ra ngoài hay còn gọi là 'sa búi trĩ', có thể chảy máu và gây đau, ngứa. Sau khi phình ra nó có thể tự co lên lại hoặc có thể dùng tay để đẩy nó vào bên trong hậu môn. Nếu có cục máu đông, xảy ra ở trĩ ngoại, sẽ gây ra khó chịu và đau. Bên cạnh đó búi trĩ có thể bị vỡ và chảy máu. Cục máu đông có thể di chuyển để lại các mẩu da thừa gây bất tiện cho bệnh nhân.

Thức ăn có thể giúp giảm thiểu trĩ

Một số thực phẩm có thể ngăn ngừa trĩ hay ít nhất là làm triệu chứng nhẹ nhàng hơn. Sử dụng thức ăn giàu chất xơ để làm mềm phân. Nên cố gắng ăn rau, trái cây tươi, đậu hay bánh mì làm  từ hạt. Ăn thêm từ từ vì quá nhiều chất xơ có thể tạo ra khí hay chướng bụng. Uống nhiều nước hơn để giảm táo bón và dễ đại tiện hơn.

Điều trị tại nhà

Sử dụng các thuốc mỡ bôi và lau sạch bằng khăn, có thể dùng thêm một ít đá nhỏ để giảm đau và sưng. Ngâm trong bồn nước ấm 2-3 lần/ngày, sau đó lau khô ngay. Ngoài ra còn có những bồn tắm ngồi đặc biệt có thể sử dụng khi đi vệ sinh. Sử dụng thêm thuốc làm mềm phân để dễ đại tiện hơn.

Điều trị y tế

Nếu phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị: đặt 1 vòng cao su quanh trĩ nội để cắt lượng máu cung cấp cho đến khi chúng co vào. Phương pháp này gọi là 'thắt trĩ'. Một cách khác là sử dụng nhiệt để loại bỏ trĩ nội, gọi là phương pháp đông hồng ngoại. Bác sĩ còn có thể tiêm thuốc vào vùng mô bị phồng để phá vỡ nó, gọi là phương pháp chích xơ.

Phẫu thuật

Với các búi trĩ lớn và không thể tự co lại thì cần được phẫu thuật, loại phẫu thuật thường thấy nhất là cắt các mô bị sưng. Loại phẫu thuật này gọi là cắt bỏ trĩ, có hiệu quả lâu dài nhưng thường gây ra đau đớn. Một phương pháp mới hiện nay đang dùng, ít đau hơn và hồi phục nhanh hơn đó là dùng Staper để giữ trĩ lại thay vì cắt đi như phương pháp cắt trĩ.

Mọi người đều có thể mắc trĩ

Bệnh trĩ không phải là bệnh hiếm, bệnh lạ. Đàn ông hay phụ nữ đều có khả năng mắc. Chỉ cần các búi tĩnh mạch sưng lên và gây ra một số vấn đề là bạn sẽ nhận ra mình bị trĩ ngay. Khoảng một nửa số người bị chảy máu và đau kèm một số triệu chứng khác trước tuổi 50. Phụ nữ còn có khả năng mắc trĩ trong thời gian họ mang thai.

>> Xem thêm: 4 thói quen vô tình gây bệnh trĩ

Ánh Minh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!