Quản lý chặt người bệnh COVID-19

Thời sự - 11/24/2024

Ngày 15/2, Việt Nam không ghi nhận thêm về trường hợp mới nào nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, đồng thời nhằm chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ nhiễm và người nhiễm COVID-19, Bộ Y tế đã đưa ra công văn hoả tốc để đảm bảo không xảy ra những tình huống nguy hiểm cho cộng đồng.

Quản lý chặt người bệnh COVID-19

Một chốt kiểm soát tại một lối vào của xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Theo công văn hoả tốc số 159/KCB-NV gửi các Bệnh viện và Sở Y tế các địa phương, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, theo 3 nhóm trường hợp bệnh: Bệnh nghi ngờ, bệnh có thể và bệnh xác định; công tác thu dung cách ly và quản lý chăm sóc điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Cục cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh trên, cơ sở y tế cần phải kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh. Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế.

Các đơn vị cũng phải lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh; đặc biệt, theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh; tuyệt đối quản lý chặt chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán và cho người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của các nhóm trường hợp bệnh COVID-19 và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định.

Theo Bộ Y tế, tới 16 giờ ngày 15/2, thống kê luỹ kế, thế giới có 67.191 người nhiễm COVID-19, làm 1.527 người tử vong. Riêng Trung Quốc có 66.496 ca nhiễm, 8.969 ca nghi nhiễm và 1.523 người đã tử vong. Trong ngày 15/2, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới nào, và đến nay có 16 trường hợp nhiễm bệnh, 61 ca nghi nhiễm, 1.068 người sau xét nghiệm có kết quả âm tính. Ngoài ra, có 602 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho, nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm COVID-19.

Trong ngày 15/2, học sinh và phụ huynh nhiều địa phương trong cả nước đã đón nhận những quyết định về việc tiếp tục nghỉ học để phòng chống dịch bệnh. Tính tới 19 giờ ngày 15/2, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành văn bản tiếp tục cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh COVID -19. Trong đó, 56 tỉnh, thành trên cả nước cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2/2020; 5 tỉnh cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 23/2; 1 tỉnh đến ngày 22/2. Riêng Ninh Bình đang cân nhắc thời điểm nghỉ học của học sinh. Quyết định này thực hiện theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trên cả nước đề nghị cân nhắc việc cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cùng với văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố đề nghị cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 432/BGDĐT-GDTC cho Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 2/2020 do COVID-19.

Trong một diễn biến khác, ngày 15/2, các doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục nỗ lực tăng cường sản xuất để cung ứng 6 triệu khẩu trang kháng khuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong tuần tới, từ 17-24/02/2020, số lượng khẩu trang sẽ được nâng cao do có sự tham gia của các đơn vị như: May Nam Định, May Nhà Bè, May Hồ Gươm, Dệt May Huế… và phấn đấu năng suất may khẩu trang đạt mức cao nhất.

Dự kiến, đến hết tháng 2/2020, toàn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 – 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt để các đơn vị may khẩu trang y tế.

Từ ngày 3/2 đến nay, Vinatex đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn, mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang 1 ngày).

Lãnh đạo Tập đoàn này cho biết, thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y Tế qua các phương tiện thông tin đại chúng, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn các tỉnh thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học… Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!