Quỹ Bảo hiểm y tế khốn đốn vì bệnh ung thư

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đa số các bệnh nhân ung thư đều phát hiện ở giai đoạn muộn nên chi phí điều trị cao. Một số loại ung thư chi phí điều trị lên đến hàng tỷ đồng.

Tại Bệnh viện K Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thưởng trú tại Hoà Bình đang điều trị ung thư phổi cho biết, ông làm lao động tự do nên không bao giờ mua bảo hiểm y tế vì nghĩ khám bảo hiểm y tế loằng ngoằng. Cuối năm 2014, ông thấy mình ho nhiều, khó thở nên đến đi khám ở bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ phát hiện có khối u ở phổi nên giới thiệu ông xuống bệnh viện K trung ương.

Những ngày đầu ở viện, ông không có bảo hiểm y tế nên chi phí vô cùng tốn kém. Dù lúc đó có mua vội BHYT thì ông đã tốn hàng trăm triệu đồng.

Bác sĩ điều trị cho ông Thưởng cũng khuyên ông nên về mua BHYT chứ không có cả núi tiền cũng không đủ chữa bệnh. Vợ chồng ông Thưởng về mua BHYT và tiếp tục thủ tục nhập viện từ tuyến dưới chuyển lên để được hưởng 80 % BHYT.

Từ sau khi có BHYT ông Thưởng cho biết các chi phí đóng vào viện đỡ hơn hẳn. Có nhiều người bệnh tại Bệnh viện K trung ương họ cho biết nếu không mua BHYT chắc họ về nhà chờ chết vì không có tiền để mua thuốc chữa bệnh.

Ung thư khiến người bệnh kiệt quệ chỉ sau một thời gian ngắn. Kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và BV Ung bướu TP HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế.

Trong đó có gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để giải quyết vấn đề trên, gần 67% bệnh nhân phải vay tiền, 22% phải bán tài sản…

Quỹ Bảo hiểm y tế khốn đốn vì bệnh ung thư

Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội

TS Phạm Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đánh giá ung thư đang là thảm hoạ sức khoẻ thầm lặng, chi phí điều trị tốn kém.

Thống kê cho thấy, chỉ với 6 loại ung thư phổ biến: Vú, gan, đại tràng, khoang miệng, dạ dày, tổng chi phí trực và gián tiếp đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam trong năm 2012.

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, chỉ rõ: Phần lớn người bệnh khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn (khoảng 80%) nên chi phí điều trị lớn trong khi đó tỉ lệ tử vong của bệnh ung thư ở Việt Nam vẫn cao, trên 70%.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết trên thế giới, hiện có 37 loại thuốc điều trị ung thư tiên tiến cho hiệu quả điều trị cao, kéo dài thời gian sống, ít tác dụng phụ... nhưng ở Việt Nam hiện chỉ có 13 loại.

Tại BV Ung bướu TP HCM, hiện có 9 loại thuốc như trên nhưng do chi phí điều trị đắt đỏ nên không phải bệnh nhân nào cũng được tiếp cận phương pháp điều trị này. Do đó, bác sĩ Dũng cho rằng về lâu dài phải phòng ngừa ung thư để giảm gánh nặng về chi phí.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), chi phí thuốc điều trị ung thư hằng năm chiếm khoảng 10% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, có nơi tới 19% và vẫn tiếp tục gia tăng.

Hiện có 13 loại thuốc ung thư được BHYT thanh toán 50%, nhưng chi phí rất lớn như thuốc Glivec tới 500 triệu/năm, Cetuximab 85-90 triệu/năm, Sorafenib 118 triệu/tháng, Erlotinib 40 triệu/tháng v.v…

Việc điều trị sẽ hiệu quả hơn khi bệnh nhân được tiếp cận với các thuốc mới, liệu pháp điều trị tiên tiến để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Nhưng nếu không được hỗ trợ thì người bệnh sẽ bỏ cuộc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!