Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, sáng 8/8.
Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng đánh giá cao những động thái khẩn trương, quyết liệt của Hà Nội trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Quyền Bộ trưởng khẳng định Trung ương đặt niềm tin lớn vào Hà Nội về kiểm soát dịch bệnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Bộ Y tế hỗ trợ toàn diện cho Hà Nội phòng chống dịch COVID-19
'Với Hà Nội, xét nghiệm là điểm mấu chốt quan trọng trong kiểm soát dịch. Chỉ có xét nghiệm mới phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng, dập tắt ổ dịch' - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay.
Ngay khi bắt đầu cuộc chiến chống dịch COVID-19 giai đoạn này, BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế luôn xác định Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao. Đó là bởi, Hà Nội có nhiều người (gần 100.000) trở về từ Đà Nẵng. Rêng từ 15/7 đến nay là hơn 75.000 người.
'Chúng tôi coi Đà Nẵng là vùng dịch, tâm dịch nên những người về từ Đà Nẵng đều có nguy cơ lây nhiễm nhất định' - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay và nhấn mạnh phải tiến hành thật nhanh việc lấy mẫu, xét nghiệm Realtime RT-PCR (rRT-PCR).
Theo đó, Bộ Y tế đã thảo luận, giao 4 đơn vị chính sẽ tiến hành xét nghiệm cho khoảng 70.000 người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng theo phương pháp rRT-PCR. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm 40.000 mẫu; Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương mỗi đơn vị 10.000 mẫu.
'Ngay chiều nay, gửi mẫu về cho các cơ quan này' – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh và cho hay, Trung ương sẽ làm rất nhanh nhưng tốc độ lấy mẫu và điều phối mẫu cho các đơn vị thì đề nghị TP giao Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ.
'Kỹ thuật này, Bộ Y tế hỗ trợ toàn bộ cho thành phố Hà Nội' – Quyền bộ trưởng khẳng định.
Như kiến nghị của các nhà chuyên môn, các chuyên gia, ngành Y tế sẽ tiến hành xét nghiệm Elisa để biết trong cơ thể người đó có miễn dịch hay không.
'Chúng tôi kiến nghị Hà Nội lấy mẫu máu cho tất cả người đi về từ Đà Nẵng từ 7-15/7 khoảng 22.000 mẫu. Việc này Trung ương cũng đảm nhận cho Hà Nội' – Quyền Bộ trưởng thông tin.
Về xét nghiệm Elisa, Việt Nam là một trong 5 quốc gia phát triển được test kit này, có độ đặc hiệu, độ nhạy chính xác rất cao.
'Trước mắt, việc xét nghiệm rRT-PCR phải làm thật nhanh. Nếu Hà Nội lấy mẫu trong 3 ngày thì Trung ương cũng đảm bảo làm xét nghiệm trong 3 ngày', Quyền Bộ trưởng khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, TP phấn đấu trong một tuần sẽ triển khai xét nghiệm xong rRT-PCR. Với những trường hợp đang chờ xét nghiệm cần phải tuân thủ tuyệt đối với cách ly.
Nhất trí những giải pháp của TP Hà Nội về việc Thủ đô nâng mức độ cao hơn cho những nơi có nguy cơ, có bệnh nhân dương tính, ủng hộ Hà Nội về yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, ra nơi công cộng, đến nơi đông người, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh đeo khẩu trang là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh. GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng ủng hộ quan điểm khuyến nghị người dân khẩn trương cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người tiếp xúc gần, giúp cơ quan chức năng truy vết.
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc xét nghiệm PCR của Thủ đô đang tiến hành theo hướng xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên là: (1) Người tiếp xúc với ca dương tính (F1); (2): Người từ Đà Nẵng có triệu chứng; (3): Người từ Đà Nẵng về qua ổ dịch và qua các điểm theo thông báo của Bộ Y tế; (4) Đà Nẵng về chưa qua 14 ngày (kể từ ngày 28 trở về trước theo thứ tự ưu tiên) và (5) số còn lại đi Đà Nẵng về.
Theo ông Quý, năng lực và khả năng xét nghiệm của Hà Nội đang hạn chế nên đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nội dung này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!