Răng thưa là tình trạng cấu trúc hàm có sự mất cân đối về khoảng cách giữa các răng. Thông thường, răng thưa có thể xuất hiện ở hai răng cửa hoặc các vị trí khác trên hàm. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên có thể là do bẩm sinh, hay thiếu răng vĩnh viễn, hoặc mắc bệnh lý về răng miệng, đôi khi còn do một vài thói quen xấu.
Răng thưa gây mất thẩm mỹ và khiến nhiều người thiếu tự tin khi giao tiếp. Tình trạng này cũng gây khó khăn trong ăn uống và khiến bạn dễ mắc phải các vấn đề răng miệng hơn. Mặt khác, chúng cũng là nguyên nhân gây biến dạng cấu trúc hàm và khuôn mặt.
Ca sĩ Becky G với khuyết điểm răng thưa thấy rõ khi cô cười.
Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục tình trạng răng thưa bằng cách áp dụng các phương pháp điều trị nhằm thu hẹp khoảng cách giữa răng lại với nhau. Để khắc phục tình trạng này, nhiều người đã lựa chọn phương pháp trám răng thẩm mỹ. Đây được cho là một trong những phương pháp khắc phục răng thưa hiệu quả, nhanh chóng và có chi phí tối ưu nhất.
Trám răng thẩm mỹ là gì?
Trám răng thẩm mỹ thực chất là phương pháp dùng vật liệu trám để bít kín các kẽ răng thưa. Sau khi thực hiện trám răng, bề rộng của răng sẽ được làm đầy và không còn tình trạng thưa. Vật liệu dùng để trám răng có ưu điểm là đảm bảo tính thẩm mỹ do có màu sắc tự nhiên tương đối giống răng thật.
Có những cách trám răng nào?
Có 2 kỹ thuật trám răng phổ biến hiện nay, đó chính là trám trực tiếp và trám gián tiếp. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trám trực tiếp thường dùng những vật liệu phổ biến như composite và amalgam. Nguyên liệu được trám trực tiếp lên mô răng để tạo hình, sau đó làm đông cứng bằng đèn laser hoặc halogen. Ưu điểm của kĩ thuật này là thực hiện khá nhanh, hoàn thành sau 1 lần và có mức chi phí tương đối thấp.
Kỹ thuật trám gián tiếp có tính chất tương tự như bọc răng sứ, nhưng không cần mài răng. Kĩ thuật này có độ phức tạp cao hơn trám trực tiếp và thường được áp dụng cho những vị trí lớn cần trám như răng hàm. Miếng trám sẽ được tạo sau khi lấy dấu răng của bạn, khi hoàn thành, miếng trám sẽ được gắn lại vị trí răng khuyết. Kỹ thuật này tương đối phức tạp và phải hoàn thành sau ít nhất 2 lần khám, do đó, độ bền và chi phí cũng sẽ cao hơn.
Những lưu ý trước khi trám răng:
- Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến răng bị thưa do bẩm sinh, do thói quen hay do bệnh lý, nếu là do bệnh lý thì cần thực hiện việc điều trị bệnh trước tiên.
- Chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để khám về tình trạng răng trước khi thực hiện trám.
- Trước khi trám răng, hãy chú ý làm sạch răng miệng.
- Trong hoặc sau khi trám răng, cần lưu ý kỹ, nếu thấy các biểu hiện như đau, cộm hay khó chịu thì phải báo ngay cho nha sĩ để kiểm tra.
- Thực hiện chăm sóc răng sau khi trám theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!