Hình ảnh chụp phim 3D hàm răng 'đặc biệt' của nam thanh niên ở Hà Nội tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba ngày 21/6 cho thấy, ngoài 13 chiếc răng thừa 'chính thức', 4 răng mầm tiềm ẩn, còn có thêm 5 chiếc u răng sắp sửa mọc lên. Tổng cộng, anh thừa tới… 22 chiếc răng.
Mỗi năm mọc thêm vài chiếc
Bệnh nhân là anh Đỗ Văn Sơn (28 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội). Trò chuyện với PV Báo GĐ&XH, anh Sơn cho biết, từ năm 15 tuổi (cách đây 13 năm), anh phát hiện mình mọc thêm… răng nhỏ nhỏ. Rồi dần dần, mỗi năm, hai hàm răng lại 'ghi nhận' thêm một vài chiếc. 'Ban đầu, tôi nghĩ nó là răng lẫy nên kệ, không để ý. Nhưng sau răng cứ chen chúc, mọc nhiều quá, tôi cũng thấy lạ. Nhưng vì không bị đau nên tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn lắm, cứ để nguyên vậy', anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn đã từng điều trị sâu răng năm 18 tuổi. Lúc đó, anh đã phát hiện có 4 mầm răng mọc nhưng không để ý và không thông báo cho bác sĩ, nên tình trạng này cứ thế tiếp diễn. Anh Sơn cũng cho biết, phòng khám nơi anh điều trị hàn răng sâu lúc đó không có chụp phim nên bác sĩ không phát hiện ra được.
Hình ảnh phim răng 'chen chúc' của bệnh nhân Sơn (ảnh bệnh viện cung cấp ).
Dù không đau, nhưng theo anh Sơn, vệ sinh răng miệng là nỗi khổ sở của anh, nhất là sau khi ăn xong, dù chỉ ăn uống nhẹ thôi, thức ăn cũng dắt vướng tứ tung vì nhiều kẽ hở trong răng. Cũng vì vệ sinh khó khăn, nên răng của anh rất nhiều mảng bám, gây sâu răng, viêm tủy. Cách đây 10 ngày, cơn đau răng hàm trái trên khiến anh phải vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba thăm khám.
Lúc này, các bác sĩ mới phát hiện hàm răng của anh Sơn thừa tới 13 cái, đều ở vị trí số 4, 5 (răng hàm nhỏ), chưa kể 4 cái răng mầm đang dạng 'tiềm ẩn', chực chờ mọc lên. Vậy nên, tổng thể 'răng thừa' trên hình ảnh phim ngày 20/6 cho thấy, anh đang thừa tới 17 chiếc.
BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba) cho hay, thăm khám ban đầu cho thấy hàm răng trên của anh Sơn 'chen chúc' nhau khiến cho việc vệ sinh răng miệng vô cùng khó khăn. Tạm thời, các bác sĩ sẽ điều trị tủy giúp bệnh nhân dứt cơn đau. Trong tuần tới, bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật để loại bỏ 13 chiếc răng thừa ở hàm trên. Sau phẫu thuật, những răng này sẽ không mọc lên nữa. Nhưng với 4 răng mầm đang tiềm ẩn mọc, các bác sĩ sẽ phải theo dõi thêm.
Ngày 21/6, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, BS Nguyễn Thanh Thái cho biết, hình ảnh chụp phim 3D mới nhất cho thấy, ngoài 17 chiếc răng thừa trên, nhóm hàm trên trái của anh Sơn còn có cụm 4,5 răng nhỏ khác, như u răng rất bé. 'Chúng tôi đang nghi bệnh nhân này bị u odontoma. Như vậy, Sơn thừa tới 22 chiếc răng. Cách điều trị duy nhất cho trường hợp này là trong lúc phẫu thuật để xử lý 13 răng trên, chúng tôi sẽ bóc cả khối u rồi làm giải phẫu bệnh bằng cách đọc tiêu bản dưới kính hiển vi. Thực hiện được điều này, bệnh nhân sẽ không bị tái phát nữa', BS Nguyễn Thanh Thái nói.
Chưa tìm ra nguyên nhân
Đặc biệt, theo BS Nguyễn Thanh Thái, hiện vẫn không xác định được nguyên nhân vì sao bệnh nhân trên lại mọc thừa nhiều răng đến vậy. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp mọc thừa nhiều răng nhất mà bệnh viện tiếp nhận từ trước đến nay. Bệnh viện đã từng điều trị cho bệnh nhân mọc 8 răng mầm, cùng ở vị trí số 4, 5. Nhưng với hàm răng thừa đến hơn 20 chiếc, mọc thành 3, 4 hàm răng như anh Sơn thì chưa bao giờ gặp.
Theo BS Nguyễn Thanh Thái, dây rễ mầm răng bình thường chỉ có 32 cái răng với mỗi người. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, mầm răng cứ phát triển mọc lên thêm như trường hợp của bệnh nhân trên rất khó lý giải. Việc có nhiều răng để lâu, thức ăn dắt vào các kẽ răng dễ gây viêm nhiễm răng, lợi và tủy.
BS Nguyễn Thanh Thái cho biết, thông thường, trong giai đoạn trẻ từ 6 -12 tuổi, khi 20 răng sữa của trẻ được thay liên tục, tạo thành giai đoạn hàm răng có răng hỗn hợp (răng sữa - răng vĩnh viễn), trẻ rất dễ mọc răng lẫy. Trong đó, trẻ từ 9 - 10 tuổi rất dễ mọc răng lẫy, răng nanh nhất. Tuy nhiên, không phải cứ răng lẫy nào mọc lên cũng nên nhổ, bởi có những răng như răng nanh sữa, răng hàm lớn sữa thứ hai (tức là răng 5) không thể nhổ ngay lập tức mà phải theo dõi để can thiệp vào thời điểm thích hợp. Do đó, khi thấy con mọc răng lẫy, phụ huynh không tự ý can thiệp vào răng con mà cần thăm khám bác sĩ chuyên môn để có chẩn đoán chính xác.
Cũng liên quan đến việc răng mọc 'thêm', trả lời câu hỏi về việc những chiếc răng khểnh (răng nanh mọc lệch) có làm hạn chế việc vệ sinh răng miệng hay làm sai khớp cắn của chủ nhân hay không, BS Nguyễn Thanh Thái cho biết, trong tư duy về thẩm mỹ của người Á đông, có 1 - 2 chiếc răng khểnh khiến chủ nhân trở nên duyên dáng, nhưng với phương Tây đây lại là điều tối kỵ và sẽ phải đi nắn chỉnh hàm răng ngay. Răng khểnh sẽ khiến việc vệ sinh răng miệng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh quanh răng, viêm lợi, viêm tủy, sâu răng… Hàm răng có nhiều răng khểnh (trên 1-2 chiếc) có thể khiến việc nhai không đều.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên rèn thói quen khám răng định kỳ 6 tháng một lần. Khi có hiện tượng răng mọc 2-3 cái một chỗ thì nên đi khám, bác sĩ sẽ tư vấn xem có cần thiết phải nhổ. Răng mọc thừa, khấp khểnh có thể làm xô lệch các răng khác, đồng thời lâu ngày thức ăn dắt vào các kẽ, vệ sinh răng miệng khó khiến răng bị sâu, viêm tủy, viêm lợi...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!