Rối loạn khớp thái dương hàm

Cần biết - 04/27/2024

Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý có xu thế ngày càng gia tăng. Khi bệnh tiến triển sẽ dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc của khớp thái dương hàm, làm đau khớp, đau cơ, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nhai, nuốt, nói của người bệnh, khiến cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút.

Rối loạn khớp thái dương hàm là gì?

Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý xảy ra ở vùng răng - hàm - mặt. Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất trên vùng sọ mặt, có nhiệm vụ nối hàm dưới với sọ não ở hai bên trái và phải. Khớp này giúp hàm dưới vận động một cách nhịp nhàng, bao gồm các thao tác như ăn nhai, nói, há miệng, đưa hàm dưới ra trước và lùi vào trong... Khi khớp thái dương hàm rối loạn sẽ khiến cơ hàm và hai hàm răng hoạt động không khớp với nhau.

Rối loạn khớp thái dương hàm thường phát sinh những cơn đau nhức lặp đi lặp lại nhiều lần ở vùng nối giữa xương sọ và hàm dưới, gây tác động nghiêm trọng đến việc ăn uống, giao tiếp của người bệnh, khiến bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, hàm không thể ăn nhai bình thường, sức khỏe giảm sút, dẫn đến tình trạng sụt cân, stress...

Bệnh lý này có thể xảy ra trên nhiều đối tượng khác nhau, không phân biệt độ tuổi và giới tính. Do bệnh thường diễn biến âm thầm, mạn tính lâu dài với các triệu chứng khó nhận biết, vì thế khi phát hiện bệnh đã tiến triển khá nặng, khó chữa trị và gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, việc tìm hiểu và nhận biết bệnh từ sớm rất quan trọng.

Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loại thái dương hàm: Sự ăn khớp của các răng không tốt, mất răng lâu ngày không trồng răng giả dẫn đến các răng bên cạnh nghiêng vào khoảng mất răng, các răng mọc lệch lạc gây xáo trộn sự ăn khớp giữa các răng; các miếng trám, răng giả làm sai khiến hàm dưới vận động không thoải mái; chấn thương ở khớp thái dương hàm; khiếm khuyết cấu trúc của khớp thái dương hàm.

Nguyên nhân còn có thể do các bệnh lý toàn thân như viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc do những thói quen như siết chặt răng, nhai kẹo cao su thường xuyên, stress, trầm cảm...

Rối loạn khớp thái dương hàmCấu tạo khớp thái dương hàm.

Dấu hiệu rối loạn

Thông thường, khi khớp thái dương hàm ở trạng thái bình thường sẽ giúp các hoạt động như ăn nhai, nói chuyện, nuốt thức ăn... diễn ra ổn định và nhịp nhàng. Các triệu chứng ban đầu của rối loạn thái dương hàm cũng thường bị bỏ qua khi mới mắc phải. Đôi khi, triệu chứng chỉ là há miệng thấy có tiếng kêu lục cục, có lúc thấy hơi khó hoặc hạn chế khi mở rộng miệng.

Nhưng đến một lúc nào đó, bạn thấy các triệu chứng trở nên rõ rệt hơn, trầm trọng hơn như: Đau ở cơ hàm, khớp thái dương hàm, đau xuất hiện khi không hoặc có cử động hàm. Bắt đầu có các triệu chứng rối loạn chức năng nặng hơn: Há miệng hạn chế, không há lớn được, khi há hàm dưới bị lệch và không thẳng. Đó là lúc bạn phải chiến thắng sức ì của bản thân để tới gặp bác sĩ. Cụ thể các triệu chứng như sau:

Đau khớp thái dương hàm: Cơn đau có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên khớp, thông thường chỉ là những cơn đau nhẹ và hết ngay sau đó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có thể gây đau nhức dữ dội, đau liên tục nhiều giờ liền, mức độ đau tăng khi cử động khớp, ăn nhai, há miệng rộng, cười to...

Khi bệnh tiến triển sẽ dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc của khớp thái dương hàm, làm đau khớp, đau cơ, hoạt động nhai, nuốt, nói của bệnh nhân trở nên khó khăn.

Hàm dưới khó cử động: Người bệnh sẽ có cảm giác như cung hàm thu hẹp lại, khớp cứng nên khó há miệng to, khi mở miệng hay bị mỏi, hàm có dấu hiệu lệch sang một bên, không thể cử động như bình thường...

Khớp có tiếng động lạ: Khi thực hiện một số động tác như há miệng, ăn nhai, ngáp hay nói chuyện... người bệnh có thể nghe thấy tiếng lục cục hay lốp cốp phát ra tại vùng thái dương hàm.

Chức năng vùng đầu rối loạn: Ngoài các dấu hiệu đau khớp, người bệnh còn có thể cảm thấy đau đầu, đau tai, đau và tăng nhãn áp, suy giảm thính giác, răng đau nhức khó chịu, phát âm không rõ ràng, rành mạch...

Ngoài ra, rối loạn khớp thái dương hàm còn có thể khiến một phần mặt sưng tấy, nóng đỏ, khuôn mặt có dấu hiệu bị lệch, biến dạng, không được cân đối và mất thẩm mỹ, trong nhiều trường hợp còn gây liệt nửa khuôn mặt.

Khi bệnh tiến triển sẽ dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc của khớp thái dương hàm, làm đau khớp, đau cơ, hoạt động nhai, nuốt, nói của bệnh nhân trở nên khó khăn. Ngoài ra, còn có thể gặp các biểu hiện như đau trong tai, ù tai, rối loạn thăng bằng, giảm thính lực...

Phương pháp điều trị

Rối loạn thái dương hàm cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để tránh chất lượng sống bị ảnh hưởng. Hiện nay có hai phương pháp là điều trị xâm lấn và không xâm lấn:

Điều trị không xâm lấn: Điều chỉnh hành vi và nhận thức không đúng đắn của bệnh nhân, vật lý trị liệu, bài tập cho cơ hàm và cổ, điều trị bằng thuốc để cải thiện triệu chứng như thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, mang máng bằng nhựa cứng trong miệng để thư giãn cơ, giảm tải lực lên khớp và làm cải thiện sự ăn khớp các răng của bệnh nhân.

Điều trị xâm lấn: Mài chỉnh hàm trên loại bỏ các vướng, cộm làm hàm dưới vận động không thoải mái, làm răng giả cho các răng đã mất, chỉnh hình các răng lệch lạc, phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào khớp thái dương hàm. Các thủ thuật phẫu thuật, bao gồm thay toàn phần hoặc từng phần của khớp xương hàm.

Biện pháp phòng bệnh

Để phòng ngừa rối loạn thái dương hàm cần chú ý điều chỉnh sớm những hiện tượng và thói quen sống sau:

- Khi có các răng lệch lạc nên đến nha sĩ để khám và làm chỉnh hình răng.

- Không để mất răng bằng cách thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa bệnh nha chu và bệnh sâu răng.

- Nếu mất răng cần trồng răng giả càng sớm càng tốt.

- Khi nhai thức ăn cần nhai cả hai bên hàm, tránh nhai một bên.

- Không thường xuyên há miệng lớn và lâu.

- Thường duy trì hàm dưới ở tư thế nghỉ: thư giãn cơ, lưỡi đặt mặt trong răng cửa giữa hàm trên, các răng hàm trên và dưới không chạm nhau.

- Giảm stress.

- Tạo lối sống lành mạnh, biết cách thư giãn, giảm stress.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!