Rối loạn nhịp tim và những cái chết bất ngờ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Rối loạn nhịp tim đang là một trong các ngành học của y khoa có tốc độ phát triển nhanh nhất. hàng loạt tiến bộ dược học, khoa học kỹ thuật liên tục được đưa vào nhằm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị tích cực.

Heart arrhythmia - Loạn nhịp tim (còn được gọi vắn tắt như loạn nhịp - arrhythmia, rối loạn nhịp - dysrhythmia hoặc nhịp tim không đều - irregular heartbeat) là một nhóm các thể bất thường về nhịp tim từ không đều cho đến quá nhanh hoặc quá chậm.

Ở người trưởng thành nếu tần số tim nhanh vượt mức 100 lần/phút thường được gọi chung bằng thuật ngữ rối loạn nhịp nhanh - tachycardia và khi chậm dưới 60 lần/phút sẽ được gọi với thuật ngữ rối loạn nhịp chậm - bradycardia.

Rất nhiều thể rối loạn nhịp nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Một khi triệu chứng xuất hiện nó thường gây khó chịu cho người bệnh bằng những triệu chứng như hồi hộp, trống ngực đôi khi cảm giác được tim ngừng đập vài giây.

Trong nhiều tình huống nguy hiểm có thể gặp phải như chóng mặt, ngất xỉu, khó thở hay đau ngực. Một số rối loạn nhịp tương đối lành tính, nhưng ngược lại số khác hoàn toàn có thể đe dọa người bệnh bởi một số biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc suy tim. Một vài thể thậm chí có thể gây ngưng tim dẫn đến đột tử.

Các kiểu loạn nhịp

Có 4 kiểu rối loạn nhịp chính:

- Nhát đập ngoại lai hay còn gọi là ngoại tâm thu (extra beats).

- Loạn nhịp nhanh trên thất (supraventricular tachycardia).

- Loạn nhịp thất (ventricular tachycardia) rối loạn nhịp chậm (bradycardia).

Ngoại tâm thu lại được chia ra làm các nhóm nhỏ phụ thuộc vào vị trí của nó như ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất hay ngoại tâm thu bộ nối.

Loạn nhịp nhanh trên thất bao gồm rung - cuồng nhĩ hoặc nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Loạn nhịp thất có cơn nhanh thất hoặc rung thất.

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả trẻ em, tuy nhiên khoảng dao động tần số tim có ít nhiều thay đổi theo lứa tuổi.

Nhiều xét nghiệm giúp ích trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim từ cơ bản như điện tâm đồ bề mặt (ECG), máy theo dõi điện tim 24 giờ (Holter ECG 24h) cho đến các phương tiện chuyên sâu như nghiệm pháp bàn nghiêng, ức chế xoang cảnh hay thăm dò điện sinh lý (Electrophysiology Study).

Rối loạn nhịp tim và những cái chết bất ngờ

Điều trị

Hầu hết các rối loạn nhịp tim đều có thể được điều trị một cách hiệu quả. Phương pháp điều trị có thể bằng nội khoa dùng thuốc hay các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như cấy máy tạo nhịp tim, cắt đốt điện sinh lý bằng ống thông qua da, thậm chí cân nhắc cả cách thức phẫu thuật.

Một số thuốc nhằm cắt đứt hoặc kiểm soát cơn nhịp nhanh như nhóm thuốc chẹn thụ thể beta giao cảm hoặc nhóm thuốc giúp chuyển nhịp tim về trạng thái bình thường kiểu Procainamide. Tuy nhiên dùng các thuốc trên với thời gian kéo dài cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn và nguy hiểm.

Máy tạo nhịp tim hay dùng cho bệnh lý rối loạn nhịp chậm.

Riêng một số cơn loạn nhịp tim không đều (rung nhĩ) có thể phải cần đến các thuốc điều trị loãng máu để giảm nguy cơ tai biến do bệnh.

Và trong số đó, những cơn rối loạn nhịp gây triệu chứng nghiêm trọng buộc phải dùng đến phương pháp nặng nề như là áp máy sốc điện ngoài lồng ngực để chuyển nhịp khẩn cấp.

Đột tử do tim là nguyên nhân hàng đầu đe dọa mạng sống của hơn 50% bệnh nhân có bệnh tim và khoảng 15% ở những người khỏe mạnh hoàn toàn. Khoảng 80% số ca đột tử do tim được ghi nhận là bị các cơn loạn nhịp thất.

Mặc dù rối loạn nhịp có thể ở bất cứ độ tuổi nào nhưng đây thường là một nhóm bệnh của người cao tuổi…

Sát thủ thầm lặng

Rối loạn nhịp tim ảnh hưởng rộng khắp thế giới, ước tính lên đến hàng triệu người trên toàn cầu. Một trong những loại loạn nhịp tim phổ biến và nguy hiểm nhất trong ngành rối loạn nhịp đang được đặc biệt quan tâm và đào sâu nghiên cứu đó là bệnh lý rung.

Vì không những gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh như hồi hộp, nặng ngực, say sẩm, chóng mặt mà còn để lại những hậu quả biến chứng nặng nề như đột quỵ, suy tim và cả đột tử. Vào năm 2014, tại châu Âu và Bắc Mỹ, rung nhĩ tác động mạnh từ 2 đến 3% dân số của 2 cộng đồng này.

Rung - cuồng nhĩ gây ra cái chết cho khoảng 112.000 người năm 2013, tăng gần gấp 5 lần so với con số 29.000 vào năm 1990.

Riêng hoa Kỳ, hàng năm có đến hơn 467.000 ca nhập viện và hơn 99,000 ca tử vong đều do rung nhĩ. Có khoảng 1% số người bệnh rung nhĩ là dưới 60 tuổi, trong khi đó có thể lên đến 12% thuộc nhóm tuổi từ 75 đến 84 tuổi. Và hơn một phần ba người rung nhì trên 80 tuổi.

Một khảo sát ở châu Âu đánh giá nguy cơ tiến triển đến rung nhĩ trong đời ở một người bình thường từ sau độ tuổi 40 ước tính là 26% với nam và 23% với nữ.

Có thể thấy tầm quan trọng và tác hại nặng nề của rung nhĩ qua các con số biết nói ở trên.

Đặc biệt rung nhĩ được coi như bệnh lý phổ biến hàng đầu ở người cao tuổi, càng cao tuổi càng dễ mắc bệnh và nguy cơ gánh nặng bệnh tật càng cao, nhưng ít có khác biệt về giới tính. Vậy rung nhĩ là gì? Biểu hiện sao và làm gì để biết được?Có nguy hiểm lắm không, ai sẽ dễ mắc bệnh và điều trị hay dự phòng thế nào?Chúng ta lần lượt điểm qua từng câu hỏi.

Có kiểm soát được không?

Như đã nói tới trước đó, rung nhĩ là một dạng loạn nhịp nhanh với hoạt động điện của cơ nhĩ không được kiểm soát hoàn toàn hay là loạn hoàn toàn và hậu quả gây ra tình trạng co bóp cơ nhĩ không hiệu quả.Thường được chẩn đoán dễ dàng chỉ với việc dựa trên điện tâm đồ bề mặt ở bất kỳ cơ sở khám y tế nào cũng được trang bị).

Hậu quả về huyết động học gây ra do rung nhĩ có thể biến đổi rất nhiều phụ thuộc vào tần số co bóp thất (hoặc quá chậm hoặc quá nhanh), mất sự đóng góp của thời kỳ co của nhĩ, thay đổi thể tích đổ đầy của buồng thất liên tục từ nhịp này qua nhịp khác và tăng hoạt tính của thần kinh giao cảm.

Từ những phân tích đó có thể hình dung ra được các triệu chứng mà rung nhĩ gây ra cho người bệnh sẽ thay đổi liên tục và rất đa dạng. Đó là một phổ rất rộng bao gồm mệt mỏi, uể oải, hồi hộp, khó thở cho đến choáng do tụt huyết áp, ngất xỉu hoặc để lại hậu quả suy tim nặng nề. Nhưng chính yếu nhất vẫn là triệu chứng mệt mệt mơ hồ.

Rung nhĩ thường đi kèm và là biểu hiện hoặc thúc đẩy các đợt cấp tính của các bệnh lý tim mạch nền của người bệnh. Ví dụ, khởi đầu người bệnh không có triệu chứng sau đó tiến triển sang giai đoạn rối loạn chức năng thất do nhịp nhanh rồi dần dần dẫn đến suy tim do nhịp nhanh hay còn được gọi với thuật ngữ là bệnh cơ tim do nhịp nhanh nếu không được kiểm soát tần số đáp ứng thất tốt.

Ngoài ra rung nhĩ còn làm tăng nguy cơ bị mắc đột quỵ (tai biến mạch máu não gây mất hoặc suy chức năng thần kinh vận động, cảm giác hoặc nhận thức), tắc mạch máu ngoại vi (mạch tay, chân có thể phải cắt cụt chi, mạch thận hoặc mạch máu mạc treo (nuôi ruột) buộc phải cắt bỏ đoạn ruột hay cắt bỏ thận). Mà gần như tất cả các cục máu đông do rung nhĩ gây ra đều nằm trong tiểu nhĩ trái - một cầu trúc nhỏ như mỏ neo bám vào buồng tâm nhĩ phía bên trái.

Ngoại trừ những biến đổi cấu trúc và chức năng của cơ nhĩ do thoái hóa theo thời gian (lão hóa). Rung nhĩ cũng có một số nguyên nhân thường gặp mà nếu điều trị được bệnh lý nền sẽ giảm đáng kể tình trạng mắc rung nhĩ cũng như tai biến do nó gây ra:

Bệnh van tim 2 lá.

Thiếu máu cơ tim.

Tăng huyết áp.

Cường chức năng tuyến giáp.

Đái tháo đường.

Và đó cũng là những người thường mắc rung nhĩ nhất mà các bác sĩ cần phải cảnh giác cũng như người bệnh nên quan tâm đến khả năng tiến triển rung nhĩ của chính mình.

Hiện nay hàng năm có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến từng khía cạnh khác nhau của rung nhĩ và mỗi 2 - 3 năm lại có một vài hướng dẫn lâm sàng của các hiệp hội tim mạch lớn trên thế giới phát hành bản cập nhật về quản lý người bệnh rung nhĩ.

Cho đến hiện tại, các khuyến cáo và chăm sóc người bệnh rung nhĩ có khá nhiều thay đổi về mặt chi tiết nếu không có chuyên môn sẽ rất khó có thể mường tượng ra được. Nhưng tựu chung lại về quản lý rung nhĩ được chia rõ ràng ra làm 3 mục tiêu cụ thể:

- Kiểm soát triệu chứng gây ra do rung nhĩ.

- Dự phòng biến chứng do rung nhĩ.

- Giải quyết hậu quả do rung nhĩ.

Kiểm soát triệu chứng do rung nhĩ có 2 chiến lược cơ bản đó là kiểm soát tần số tim và kiểm soát nhịp tim (xem xét chuyển về dạng nhịp bình thường của tim, nhịp xoang).

Tùy theo thể bệnh là rung nhĩ kịch phát, rung nhĩ dai dẳng hay rung nhĩ mạn tính mà có mối ưu tiên lựa chọn chiến lược.

Cũng như vậy việc chọn lựa 1 trong 2 chiến lược trên lại được chia ra là 2 nhóm công cụ chính. Hoặc chỉ dùng thuốc hoặc kết hợp thêm can thiệp (cắt đốt điện sinh lý như cắt đốt cô lập tĩnh mạch phổi để xóa cơn rung nhĩ hoặc đốt nút nhĩ thất để kiểm soát tần số tim, cấy máy tạo nhịp tim do rung nhĩ gây hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm).

Dự phòng biến chứng do rung nhĩ mà hàng đầu là đột quỵ và thuyên tắc cũng có 2 nhóm chính đó là sử dụng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông) hay can thiệp bít dù vào tiểu nhĩ trái một khi nguy cơ chảy máu do thuốc quá cao (như đã nói phía trên).

Việc lựa chọn cách thức điều trị trên dựa nhiều vào các thang điểm đánh giá nguy cơ xảy ra đột quỵ cho người bệnh cao tuổi, có thể kể đến là thang điểm CHADS2 và thang CHA2DS2 - Vasc.

Như có nhắc đến, rung nhĩ hoàn toàn có thể gây ra các biến chứng cực kỳ nặng nề như đột quỵ và suy tim. Nếu không may mắc phải, dựa vào tùy từng bệnh lý, mà có những chiến lược ưu tiên khác nhau. Hiện cũng đã có rất nhiều hướng dẫn về điều trị suy tim cũng như quản lý đột quỵ cấp...

Trên đây là toàn bộ bối cảnh về rối loạn nhịp nói chung, cũng như một thể bệnh phổi biến nhất của nó - Rung nhĩ nói chung. Rung nhĩ là một bệnh lý rất thường gặp, nhiều nhất là ở tuổi già và một số nhóm người bệnh bị tăng huyết áp, có bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn tuyến giáp hay đái tháo đường.

Mặc dù hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, hoàn toàn có thể đe dọa cướp lấy mạng sống của bất kỳ ai không phân biệt tuổi tác, giới tính nhưng đây là nhóm bệnh hoàn toàn có thể điều trị, hay kiểm soát được tốt nếu tầm soát đầy đủ.

Lời khuyênc ủa thầy thuốc

Dựa theo các khuyến cáo, nhưng bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, thường xuyên có các triệu chứng mệt, khó thở gắng sức, hồi hộp nên đến các cơ sở y tế để tầm soát rung nhĩ đặc biệt là các người bệnh có các bệnh lý kết hợp vừa kể.

Vài công cụ cơ bản như điện tâm đồ bề mặt, máy theo dõi điện tim 24 giờ hoặc hiện đại hơn đó là các ứng dụng trên điện thoại giúp cảnh báo có cơn rung nhĩ đang dần được hoàn thiện để tăng khả năng chẩn đoán tình trạng rung nhĩ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!