Cụ ông trăm tuổi khỏi bệnh COVID-19, ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm mạnh
Theo Tân Hoa Xã, một cụ ông 100 tuổi người Trung Quốc đã chiến thắng virus corona chủng mới và được xuất viện hôm 7/3.
Cụ ông là bệnh nhân cao tuổi nhất trong số những người được ghi nhận khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID-19. Cụ ông sinh năm 1920, vừa mừng thọ 100 tuổi vào tháng trước. Cụ nhập viện vào ngày 24/2 vì bị nhiễm virus, với các bệnh nền như Alzheimer, huyết áp cao và suy tim. Vì tình trạng bệnh lý phức tạp của bệnh nhân, các nhân viên y tế quân đội đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn khác nhau và áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
Thế giới sáng nay (9/3) tiếp tục chứng kiến số người mắc và tử vong ở Trung Quốc sau khi giảm những ngày trước thì lại tiếp tục gia tăng, với 80.734 ca mắc (tăng 39) và 3.119 ca tử vong (tăng 22)
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại Vũ Hán, Trung Quốc
Trong khi đó, số ca mắc mới và tử vong ở các nước ngoài lục địa Trung Quốc vẫn tăng mạnh, như Ý, Pháp, Đức, Iran...
Tính đến 7h30 sáng 9/3, Hàn Quốc có 7.313 ca mắc (tăng 272) và 50 người tử vong.
Iran tăng thêm 743 ca mắc mới đưa tổng số người mắc ở nước này lên 6.566 và 194 người tử vong (tăng 49).
Pháp hiện tại có 1.209 người nhiễm COVID-19 và 19 người chết vì căn bệnh này.
Tăng thêm 240 người mắc mới, Đức có tổng số 1.040 người nhiễm COVID-19 và chưa có ca nào tử vong.
Qua một đêm, thế giới lại chứng kiến tốc độ gia tăng mau chóng của Ý, khi có thêm 1.492 người mắc và 133 người tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong của nước này lên 7.375 và 366.
Mỹ đã có ít nhất 521 người nhiễm virus corona, với 21 ca tử vong. Các bang Washington, New York và California đều có hơn 100 ca bệnh và đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo thống kê tính đến 8/3 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), 521 ca bao gồm 49 công dân được đưa về từ nước ngoài: 3 người từ Vũ Hán, Trung Quốc , 46 người từ tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật và 21 người trên tàu Grand Princess đang đậu ngoài khơi California.
Có 451 ca nhiễm ở 33 bang và thủ đô Washington và ít nhất 21 người đã tử vong. Trong đó, bang Washington có 136 ca nhiễm với 18 người tử vong.
Đừng cho rằng dịch SARS-CoV-2 sẽ tự động suy giảm vào mùa hè
Nhiều quốc gia và nhiều người tin rằng, tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ suy giảm và thậm chí sẽ 'biến mất' vào mùa hè.
Nhiều chính phủ và các cơ quan y tế quốc gia đang hy vọng SARS-CoV-2 suy giảm khi thời tiết ấm lên, như thường xảy ra với các loại virus tương tự gây cảm lạnh và cúm thông thường.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, một nghiên cứu riêng biệt của một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm nhà dịch tễ học Marc Lipsitch từ Trường Y tế Công cộng T.H.Chan của Harvard, nhận thấy rằng việc lây lan virus kéo dài và sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm có thể xảy ra trong một loạt các điều kiện độ ẩm - từ các tỉnh lạnh và khô ở Trung Quốc đến các địa điểm nhiệt đới, như khu tự trị Quảng Tây ở phía nam xa xôi và Singapore.
'Riêng về thời tiết, chẳng hạn như tăng nhiệt độ và độ ẩm trong các tháng mùa xuân và mùa hè ở Bắc bán cầu, sẽ không nhất thiết dẫn đến sự suy giảm số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 nếu không thực hiện các can thiệp y tế công cộng rộng rãi'- nghiên cứu cho biết.
Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp sức khỏe Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) kêu gọi mọi người đừng cho rằng dịch SARS-CoV-2 sẽ tự động suy giảm vào mùa hè. 'Chúng ta phải giả định rằng virus sẽ tiếp tục có khả năng lây lan' - tờ SCMP dẫn lời ông Ryan nói.
'Sẽ là sai lầm nếu hy vọng SARS-CoV-2 sẽ biến mất giống như cúm, chúng ta không thể giả định như vậy. Không có bằng chứng nào cả' - chuyên gia của WHO nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/3 cho biết việc áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong bối cảnh trên toàn cầu đã ghi nhận trên 100.000 trường hợp bị nhiễm dịch bệnh này.
Một nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc cũng cho rằng mọi người nên tránh rơi vào cái bẫy nghĩ là SARS-CoV-2 sẽ phản ứng với những thay đổi theo mùa giống hệt như các mầm bệnh khác, chẳng hạn cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Nghiên cứu đã tìm cách xác định mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về mùa và nhiệt độ như thế nào.
Nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy nhiệt độ có vai trò quan trọng trong cách thức hoạt động của virus. 'Nhiệt độ có thể thay đổi đáng kể việc lây truyền SARS-CoV-2. Có khả năng có một nền nhiệt độ tốt nhất cho sự lây lan của virus' - nghiên cứu viết.
Theo nghiên cứu, 'virus SARS-CoV-2 rất nhạy cảm với nhiệt độ cao', nên có thể ngăn chặn nó lây lan ở các nước ấm hơn, trong khi điều ngược lại dường như là đúng ở những nơi lạnh hơn.
Do đó, nghiên cứu gợi ý rằng các quốc gia và khu vực có nhiệt độ thấp hơn nên áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất.
WHO khuyến khích các biện pháp hạn chế dịch
Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh cho cả thế giới về việc có thể hạn chế tốc độ lây lan và những ảnh hưởng do COVID-19 bằng việc thực hiện các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt, như huy động toàn xã hội tìm kiếm những người bị ốm và đưa họ đi chữa trị, theo dõi các cuộc tiếp xúc, chuẩn bị các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh, đào tạo đội ngũ y tế để ứng phó trong trường hợp số bệnh nhân gia tăng.
Việc kiềm chế và làm chậm tốc độ lây lan sẽ giúp có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho việc ứng phó với dịch bệnh hay tìm ra những phương pháp điều trị.
Để đối phó với COVID-19, WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các chuyên gia y tế để phối hợp các hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, phân phối các nguồn cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo (phải) kiểm tra công việc khử trùng của binh sĩ tại sân bay quốc tế Daegu ở Daegu, cách Seoul 300 km về phía đông nam, vào ngày 6 tháng 3 năm 2020. (Yonhap)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!