Sau uống rượu, bia bao lâu thì không bị xử phạt nồng độ cồn?

Thời sự - 05/02/2024

Để trong hơi thở không còn nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia cần phụ thuộc vào lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống cũng như thể trạng của người sử dụng.

Sau uống rượu, bia bao lâu thì không bị xử phạt nồng độ cồn?

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở tài xế. (Ảnh minh họa).

Từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu áp dụng các chế tài xử phạt, nhiều tài xế ô tô, xe máy đã bị xử phạt lên đến hàng chục triệu đồng và tước bằng lái xe do vi phạm nồng độ cồn. Do đó, vấn đề bức thiết nhiều người dân muốn biết: sau uống rượu, bia bao lâu thì không bị xử phạt nồng độ cồn, có thể lái xe an toàn?

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra lời khuyên đối với những tài xế lái xe sau khi sử dụng rượu, bia.

Theo ông, ethanol hay rượu thông thường cơ bản là 1 chất độc. Ethanol hay rượu gây tổn thương não, đặc biệt là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với người trẻ, nếu uống với lượng lớn, lạm dụng thì sẽ rất dễ bị ngộ độc.

Sau uống rượu, bia bao lâu thì không bị xử phạt nồng độ cồn?

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (phải). (Ảnh: Huyền Trần).

Về câu hỏi sau uống rượu, bia bao lâu thì được phép lái xe, bác sĩ Nguyên cho biết điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói... Ngoài ra, nồng độ cồn còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý, bởi có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau trong máu, trong hơi thở vẫn còn.

Liên quan đến câu hỏi: Sau uống rượu bao lâu thì không bị xử phạt nồng độ cồn?, ngày 2/1 trên mạng xã hội xuất hiện bài chia sẻ khiến cộng đồng xôn xao.

'Sau khi uống rượu, bia bao lâu thì lái xe?

Kể từ 1.1.2020 khi lái xe mà có nồng độ cồn, mức xử phạt sẽ rất nặng. Vậy, sau khi uống rượu, bia bao lâu thì bạn có thể lái xe? Điều này phụ thuộc nhiều vào lượng rượu, bia mà bạn uống, tuy nhiên một số thông tin bạn có thể lưu ý:

- Sau 6-12h, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu.

- Sau 12-24h, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở.

- Sau 36h vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72h vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo qua ống thở, vì vậy, 24h sau khi uống bạn vẫn có thể bị phát hiện và xử phạt. Trường hợp người nào bị tai nạn giao thông thì khi vào viện, các bác sỹ sẽ lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn ngay.

Như vậy, ít nhất 24h sau khi uống rượu, bia bạn hãy lái xe, có nghĩa là tối nay bạn uống thì ngày mai đừng lái xe'.

Hiện bài đăng này đang được chia sẻ với tốc độ 'chóng mặt' trong bối cảnh có nhiều tài xế xe máy, ô tô bị xử phạt từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng chỉ vì 1-2 chén rượu do vi phạm nồng độ cồn.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nói: 'Trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia không hề có thông tin này'.

Sau uống rượu, bia bao lâu thì không bị xử phạt nồng độ cồn?

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. (Ảnh minh họa).

Theo vị Vụ phó này, không có con số chính xác tuyệt đối với mọi cá nhân cho thắc mắc uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể.

'Phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu', bà cho biết.

Theo phân tích, đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa.

Do đó, nếu uống 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%, đối với người khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ loại bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe.

Ngược lại, đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, đồng thời tránh bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn thì người dân không nên sử dụng rượu bia, hạn chế tối đa số lần uống rượu, bia cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!