Hỏi:
Tôi uống rượu lúc 12 giờ trưa thì mấy giờ sau được phép chạy xe máy mà không bị phạt nồng độ cồn? PVT (Hà Nội)
Trả lời:
Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực.
Một trong những quy định quan trọng tại luật này là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại nút giao Trần Thái Tông - Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội). Ảnh: TUYẾN PHAN
Quy định vừa có hiệu lực được 2 ngày đã có nhiều trường hợp 'kêu oan' do uống rượu từ trưa nhưng đến chiều chạy xe vẫn bị phạt. Nhiều người đặt câu hỏi vậy uống bia, rượu bao lâu thì được phép chạy xe? Bao lâu thì nồng độ cồn sẽ biến mất?
Giải đáp những thắc mắc trên, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay để biết chính xác sau khi uống rượu, bia bao lâu thì được lái xe là rất khó.
Theo BS Nguyên, nồng độ cồn trong máu còn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng rượu, loại rượu đã uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu… Người uống kéo dài, triền miên thì rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.
'Có thể cùng một loại rượu, cùng một người uống nhưng một người đói với một người no thì sự hấp thụ rượu của cơ thể cũng khác. Có những người uống rượu tối hôm trước nhưng đến tối hôm sau nồng độ cồn vẫn dương tính trong máu và hơi thở'- BS Nguyên giải thích.
Ngoài những yếu tố trên, yếu tố về cân nặng, tốc độ uống cũng quyết định rất nhiều đến nồng độ cồn trong máu. Do vậy, người dân không nên uống rượu bia hoặc hạn chế tối đa số lần uống, giảm lượng rượu mỗi khi uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!