Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu bộ kit có thể phát hiện virus corona trong người với thời gian là 70 phút (gọi là chế tạo sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh chủng virus corona).
Hình ảnh tách chiết RNA trong dịch hầu họng của người để thu kết quả với virus corona.
Một số ý kiến cảnh báo đã được đưa ra với phương pháp thử này, cho rằng việc kit trên kỹ thuật LAMP có thể sẽ cho ra kết quả âm tính hoặc dương tính giả.
Trước những thông tin trên, ngày 11/2, trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết: 'Về bộ kit thử này thì vừa qua, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch virus corona, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ là đơn vị đầu mối để kiểm định, nghiên cứu về độ nhạy, độ đặc hiệu và có thể ứng dụng được trong phòng chống dịch corona hay không. Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng để đưa vào sử dụng thì vẫn phải được Bộ Y tế nghiệm thu và cấp phép'.
Hình ảnh nghiên cứu thử nghiệm bộ kit phát hiện nhanh virus corona trong thời gian 70 phút.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay: 'Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona gây ra thì rất hoan nghênh các đơn vị chế tạo ra các kit, các phương pháp chẩn đoán xét nghiệm để chúng ta phát hiện những trường hợp dương tính virus corona nhanh nhất. Bởi một trong những phương pháp chẩn đoán, xác định người dương tính virus corona hiện nay vẫn là xét nghiệm'.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm: 'Một nghiên cứu có rất nhiều quy trình thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, hiện nay, trong lúc này, khi dịch virus corona đang có diễn biến mới thì bằng mọi hình thức phải khẩn trương để có một bộ kit đưa vào sử dụng nếu có thể cho ra kết quả nhanh nhất và giảm bớt tất cả các thủ tục không cần thiết. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tất nhiên, kit đó phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo được tính khả thi. Nghĩa là đảm bảo được độ nhạy, độ đặc hiệu, độ bền vững'.
Sau 70 phút, kết quả thu được màu vàng là dương tính virus corona và màu hồng là âm tính.
Cùng ngày, đại diện Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, có 2 giai đoạn để phát hiện chủng virus corona từ mẫu bệnh phẩm (dịch hầu họng) và nếu dung dịch chuyển màu vàng thì kết quả thu được là dương tính. Dung dịch màu hồng là kết quả là âm tính. Quá trình chuẩn bị và thực hiện phản ứng LAMP diễn ra trong vòng 40 phút.
Giai đoạn thứ nhất là tách chiết RNA. Trong giai đoạn này, hạt virus có trong mẫu sẽ bị ly giải dưới tác dụng của dung dịch đệm tách chiết để giải phóng RNA của virus. Tiếp đó, dung dịch được đưa qua cột silica để RNA bám lên cột. Sau quá trình rửa, RNA sẽ được hòa tan trong nước để được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn thứ hai là khuếch đại vùng gen đích của virus bằng kỹ thuật RT-LAMP. Sau khi ủ ở nhiệt độ 63ºC trong khoảng 30 phút, vùng trình tự gen đích sẽ được khuếch đại đến hàng tỷ lần. Kết quả là làm thay đổi màu dung dịch của phản ứng.
Đại diện Viện CNSH&CNTP cho biết thêm, ưu điểm của bộ kit thử này là cho ra kết quả trong 70 phút. Phép thử thông thường hiện nay là 3 giờ đồng hồ.
Trong khi đó, quy trình phân tích lại không cần các thiết bị quá phức tạp và hoàn toàn có khả năng ứng dụng được ở bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện dã chiến, phòng khi dịch bùng phát có khả năng khoanh vùng dịch mà không cần chờ gửi mẫu về các bệnh viện trung ương.
Hoan nghênh nhóm tác giả bộ kit cho kết quả virus corona trong thời gian 70 phút, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: 'Phương pháp này hay, tốt, nếu đủ điều kiện và được đưa vào sử dụng thì ngành y tế sẽ giảm được thời gian phát hiện virus corona, góp phần giảm áp lực cho ngành y. Tuy nhiên, cần phải được kiểm định bởi cơ quan y tế cao nhất, có tầm cỡ quốc gia để khẳng định khả năng cho kết quả của phương pháp này, để không chỉ rút ngắn thời gian phát hiện virus corona, mà với cả các dịch bệnh khác nữa'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!