Tai nạn giao thông hiện nay xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, ngày cũng như đêm, trời nắng nóng cũng như lạnh rét. Một trong những vấn đề ít được chú ý là tình trạng hạ thân nhiệt ở các nạn nhân. Dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng có thể gây nên tử vong.
Vì vậy, các cấp cứu viên bao gồm tình nguyện viên, y tế thôn bản tham gia trong mạng lưới chăm sóc chấn thương trước viện và nhân viên y tế trong đội cấp cứu cần quan tâm phát hiện, xử trí kịp thời hiện tượng hạ thân nhiệt của nạn nhân nhằm giảm thiểu những biến chứng trầm trọng xảy ra có thể gây tử vong cho nạn nhân.
Đặc điểm hạ thân nhiệt khi bị tai nạn giao thông
Tình trạng hạ thân nhiệt ở những nạn nhân bị tai nạn giao thông thường có liên quan đến nguy cơ phơi nhiễm quá mức với môi trường lạnh.
Hạ thân nhiệt được xác định khi nhiệt độ ở trung tâm ≤ 35oC và hạ thân nhiệt được xem là rất nặng khi nhiệt độ trung tâm ≤ 30oC. Sự hạ thân nhiệt sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn huyết động, đặc biệt là trên những nạn nhân bị sốc chấn thương.
Nguyên nhân gây nên hạ thân nhiệt ở những nạn nhân tai nạn giao thông là bị chìm vào nước lạnh, nhiễm lạnh do thời tiết. Ngoài ra, còn xảy ra ở những nạn nhân có các bệnh lý kèm theo như phù niêm mạc, suy tuyến yên, bệnh Addison, hạ đường huyết, xơ gan, uống rượu...
Xác định dấu hiệu hạ thân nhiệt ở những nạn nhân bị tai nạn giao thông thường rất khó khi đo nhiệt độ dưới 35oC. Mức độ hạ thân nhiệt được chia làm mức nhẹ, mức nặng và mức nguy kịch.
Mức nhẹ khi thân nhiệt dưới 35oC; nạn nhân tỉnh táo, lạnh run, da xanh tái, mạch nhanh. Mức nặng khi thân nhiệt dưới 25oC; nạn nhân bị hôn mê, đồng tử mắt co nhỏ, thở nông và chậm, huyết áp giảm và tụt, rối loạn nhịp tim và phù. Mức nguy kịch khi thân nhiệt dưới 20oC; nạn nhân bị hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, có nguy cơ tử vong.
Ảnh minh họa
5 bước xử trí
Đứng trước một nạn nhân bị tai nạn giao thông, cấp cứu viên cần thực hiện 5 bước hành động theo thứ tự sau đây:
Bước 1: Xác định nạn nhân có bị tình trạng hạ thân nhiệt hay không và gọi sự ứng cứu. Đồng thời quan sát để phát hiện sớm triệu chứng rối loạn ý thức, hôn mê và tình hình hô hấp của nạn nhân. Nếu phát hiện có rối loạn hô hấp, cần can thiệp ngay theo quy trình quy định.
Ngoài ra, xác định dấu hiệu của sốc chấn thương và xử trí sốc theo kỹ năng chuyên môn. Xác định dấu hiệu hạ thân nhiệt theo các mức độ đã nêu ở trên và gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cứu thương.
Bước 2: Bảo đảm cho đường thở của nạn nhân được thông thoáng. Nếu nạn nhân khó thở, cần khai thông đường thở bằng tư thế ngửa đầu, nâng cằm. Nếu nghi ngờ nạn nhân bị gãy cột sống cổ, phải hết sức lưu ý tránh di chuyển đầu nạn nhân quá mức.
Nếu nạn nhân bị hôn mê kèm theo ứ đọng đờm dãi, phải đặt nạn nhân ở tư thế nghiêng an toàn để chất tiết từ trong họng và miệng dễ dàng thoát ra ngoài.
Bước 3:Bảo đảm việc thông khí đường hô hấp cho nạn nhân. Nếu nạn nhân có thể tự thở được, nên đặt nạn nhân ở tư thế dễ chịu nhất.
Nếu nạn nhân tự thở được nhưng yếu hoặc không tự thở được, cần hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thổi ngạt miệng qua miệng hoặc miệng qua mũi. Nếu có bóng hỗ trợ và mặt nạ thở được trang bị cho các đội cấp cứu, cần bóp bóng qua mặt nạ cho nạn nhân thở.
Bước 4: Bảo đảm sự tuần hoàn máu bằng cách phát hiện và băng ép vị trí chảy máu nếu chảy máu ra bên ngoài. Kê cao chân nạn nhân nhằm giúp hỗ trợ máu dồn về tim một cách dễ dàng.
Bước 5: Điều trị hạ thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách ủ ấm nếu thấy có dấu hiệu rét run hoặc hạ thân nhiệt. Nếu có điều kiện của đội cấp cứu hỗ trợ, có thể đặt đường truyền tĩnh mạch; có thể truyền dung dịch ủ ấm.
Sau đó phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất để kịp thời bổ sung các biện pháp điều trị hạ thân nhiệt có hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!