Sở Y tế TP.HCM thông tin về thuốc Phenobarbital trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Thời sự - 11/24/2024

Thông tin không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em là thiếu chính xác, có thể gây hiểu lầm và gây tâm lý hoang mang trong dư luận, nhất là các bà mẹ đang chăm sóc con bị bệnh tay chân miệng. Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc chống co giật khác thay thế cho Phenobarbital trong tình hình chưa có thuốc này như hiện nay.

Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/1ml là thuốc hướng thần thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Phenobarbital có tác dụng chống co giật, đặc biệt thường dùng cho trẻ sơ sinh trong điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng.

Hiện nay, trên thị trường chỉ có 1 loại thuốc tiêm Phenobarbital đang lưu hành là Danotan 100mg/ml (Nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd, Hàn Quốc) do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu và phân phối.

Từ tháng 6/2020, Sở Y tế đã nhận được công văn của Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố thông báo về dự kiến tình hình thiếu thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 ngưng nhập khẩu thuốc. Thuốc Danotan 100mg/ml đã nhập và bảo quản tại kho của nhà phân phối và các bệnh viện có hạn sử dụng đến ngày 27/9/2020.

Sở Y tế TP.HCM thông tin về thuốc Phenobarbital trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị mua thuốc dự trữ và sử dụng đến hết hạn dùng của thuốc. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các bệnh viện. Tuy nhiên, theo thông báo từ Cục Quản lý Dược tại công văn số 8498/QLD-KD ngày 22/6/2020 về việc cung ứng thuốc Phenobarbital 100mg/ml, nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd không tiếp tục sản xuất thuốc Danotan. Cục Quản lý Dược đã có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng thuốc thay thế nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được nhà cung cấp mới.

Cũng cần nhắc lại cho rõ: Thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml không phải là thuốc chống co giật duy nhất trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng diễn biến nặng do Bộ Y tế ban hành. Phenobarbital là thuốc ưu tiên sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ và đã được các bác sĩ quen sử dụng cho bệnh nhi có chỉ định kể từ rất lâu, trong tình hình không có thuốc như hiện nay, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital theo các phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác trong thời gian sớm nhất. Sở Y tế khẳng định.

Sở Y tế TP.HCM thông tin về thuốc Phenobarbital trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Được biết, Cục Quản lý Dược cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung ứng mới Phenobarbital 100mg/ml và các bệnh viện chủ động sử dụng các thuốc chống co giật khác để điều trị thay thế. Sở Y tế yêu cầu Hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện chuyên khoa Nhi có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc thay thế Phenobarbital trong chống co giật ở trẻ em mắc bệnh tay chân miệng thể nặng trong giai đoạn hiện nay.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay TPHCM ghi nhận hơn 6.350 ca tay chân miệng tại 24 quận, huyện. Riêng tuần cuối tháng 9, thành phố ghi nhận 640 ca bệnh – cao nhất từ đầu năm đến nay. Số ca bệnh trong tuần tăng ở 19/24 quận, huyện, trong đó 4 địa phương có ca bệnh cao gồm quận 2, 7, 8 và huyện Bình Chánh.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – HCDC cho biết, đây là thời điểm dễ bùng phát bệnh tay chân miệng, do học sinh đã tập trung đi học lại. Vì vậy trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày: 'Khi trường học có bệnh tay chân miệng phải khử khuẩn hằng ngày với nồng độ 2 % Cloramin trong một lít nước và cứ khử khuẩn liên tục như vậy trong vòng 10 ngày đối với các đồ chơi của trẻ, sàn nhà, rồi các bề mặt, các kệ đồ chơi, rồi cánh cửa, tay nắm cửa trong lớp học'.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, quan trọng nhất là cần duy trì thói quen rửa tay thường xuyên, kể cả người lớn có tiếp xúc với trẻ, để ngăn chặn nguồn lây bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!