STD và nhiễm HIV/AIDS: Bạn đồng hành

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Cả STD và HIV/AIDS đều có chung các yếu tố nguy cơ cao là quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người.

Trong những năm gần đây, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD: Sexually Transmitted Diseases) có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trên bình diện toàn cầu, trung bình mỗi ngày có khoảng một triệu người bị STD (tính cả nhiễm HIV) được phát hiện. Cùng với sự gia tăng của STD, đại dịch HIV/AIDS cũng lan tràn khắp thế giới. 

Tại Hoa Kỳ, sự lan truyền HIV qua đường tình dục diễn ra song hành với sự gia tăng của một số bệnh STD như giang mai, herpes, chlamydia, HPV (Human Papilloma Virus)... Ở châu Phi, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục là cao nhất (50-80%). Có thể nói rằng, quan hệ tình dục không được bảo vệ dù bằng phương thức nào thì vẫn là con đường lây lan chủ yếu của HIV. 

Trong khi ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, lây truyền HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục khác giới (Heterosexual) thì ở châu Âu, Hoa Kỳ, châu Úc, quan hệ tình dục đồng giới (Homosexual) và lưỡng giới (Bisexual) cũng chiếm vai trò quan trọng trong việc làm lây nhiễm vi-rút chết người này. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là quan hệ với người bị STD. 

STD và nhiễm HIV/AIDS: Bạn đồng hành

Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa HIV/AIDS và STD, đặc biệt là các bệnh có loét ở sinh dục (giang mai, herpes, HPV, hạ cam...). Ở đâu có tỷ lệ STD cao, ở đó có sự gia tăng HIV/AIDS. Ngược lại vùng nào can thiệp, phòng chống STD tốt, tỷ lệ nhiễm HIV sẽ rất thấp. Nghiên cứu ở một vùng của Tanzania cho thấy, điều trị giảm tỷ lệ STD trong cộng đồng đã giảm được 38% tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong một thời gian ngắn.

Như vậy có thể nói, STD vừa là bạn đồng hành, vừa là yếu tố nguy cơ, vừa là yếu tố chỉ điểm của HIV/AIDS.

Hay nói cách khác, cả STD và HIV/AIDS đều có chung các yếu tố nguy cơ cao là quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người. Chính vì vậy, người ta cũng coi HIV/AIDS là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm nhất.

Ở Việt Nam, cho tới nay diễn biến dịch tễ của HIV/AIDS có một số đặc điểm khác với các nước khác trên thế giới. Sự lây truyền HIV ở nước ta chủ yếu qua con đường tiêm chích ma túy. Đường lây qua quan hệ tình dục chiếm một tỷ lệ thấp, dưới 10%. 

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng tỷ lệ này có xu hướng tăng hàng năm. Hơn nữa, do đặc thù của các đối tượng có hành vi nguy cơ cao nên rất khó xác định chính xác đường lây HIV đầu tiên. Qua báo cáo ở một số tỉnh, tỷ lệ gái mại dâm nghiện ma túy là 60-80%. 

Ngoài ra, đa số những người nghiện đều có quan hệ tình dục không an toàn với nhiều đối tượng. Vì vậy, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục ở nước ta có thể cao hơn nhiều so với báo cáo hiện tại.

Trước những thách thức chung trên toàn thế giới và trước tình hình thực tế ở Việt Nam, chúng ta cần đánh giá, tiên liệu khuynh hướng dịch tễ của HIV/AIDS nhằm khống chế, ngăn chặn sự lây lan của HIV theo các con đường khác nhau. Thực tế trong những năm qua cho thấy, chúng ta đã có một chiến lược đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn. Chính vì vậy, số người nhiễm HIV qua con đường tình dục hàng năm mặc dù có tăng nhưng không cao. 

Tuy nhiên, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết. Đặc biệt là thiếu sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa hai chương trình phòng chống STD và HIV/AIDS ở cấp tỉnh/huyện. 

Hơn nữa, mạng lưới cán bộ của 2 chương trình ở nhiều tỉnh còn thiếu. Ngoài ra, kinh phí cho các hoạt động của phòng chống STD còn eo hẹp.

Để hạn chế những khó khăn, thách thức đó và hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những giải pháp, sáng kiến và kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường sự phối hợp và nâng cao hiệu quả của hai chương trình, cụ thể:

- Củng cố mạng lưới phòng chống STD và HIV/AIDS ở một số tỉnh/vùng còn thiếu và yếu.

- Xây dựng một quy chế phối hợp cho các cán bộ của hai chương trình (STD và HIV/AIDS) ở cấp tỉnh.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả các cán bộ có liên quan của cả hai chương trình ở cấp tỉnh và huyện.

- Phát động các chiến dịch giáo dục y tế về phòng chống STD lồng ghép với phòng chống HIV/AIDS ở các vùng có tỷ lệ bệnh cao.

- Phối hợp điều tra dịch tễ, căn nguyên của STD, đặc biệt ở các đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

- Cần tổ chức các đợt giám sát, đánh giá có sự tham gia của lãnh đạo hai chương trình.

Khó khăn thách thức còn nhiều, song nếu chúng ta có sự phối hợp, liên kết đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương, chắc chắn chúng ta sẽ chế ngự được sự lây lan của HIV, đặc biệt là qua con đường quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy, góp phần hạn chế được sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS ở nước ta.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!