4 căn bệnh “thầm lặng” lây lan qua đường tình dục

Sức Khỏe Giới Tính - 04/28/2024

Bạn có biết? Không phải căn bệnh lây lan qua đường tình dục nào cũng có biểu hiện triệu chứng bên ngoài, điển hình là 4 căn bệnh sau đây...

Nếu có nhiều bạn tình, bạn sẽ dễ nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bạn cần biết rằng, bao cao su không thể bảo vệ bạn trước mọi căn bệnh STD và không phải căn bệnh lây qua đường tình dục nào cũng có biểu hiện triệu chứng bên ngoài. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm định kỳ để sớm phát hiện bệnh cũng như thành thật với đối phương trước khi quan hệ là những điều cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe tình dục cho cả hai.

Dưới đây là một số căn bệnh “thầm lặng” lây lan qua đường tình dục.

Bệnh do virus HPV

Virus gây u nhú ở người (HPV) là loại virus lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất. Đây cũng là một trong số những loại virus không thể phòng ngừa hoàn toàn bằng bao cao su. Bạn có thể mang virus này trong cơ thể và vô tình lây truyền cho người khác mà không hề hay biết vì cơ thể bạn không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài.

Nếu dưới 30 tuổi, bạn không cần xét nghiệm HPV khi đi kiểm tra bệnh đường tình dục vì HPV thường tự thải trừ sau một khoảng thời gian nào đó, mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Nhưng nếu bạn đã quá 30 tuổi, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, vì một số loại virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung nên việc xét nghiệm thường xuyên là vô cùng quan trọng. Một kết quả xét nghiệm cổ tử cung bất thường sẽ cho thấy những thay đổi virus HPV gây ra trong những tế bào cổ tử cung. Ngoài ra, bác sĩ có thể dựa vào đặc tính của các tế bào bất thường này để xác định xem bạn có bị mắc phải virus HPV không.

Chlamydia

Chlamydia là một trong những tác nhân bệnh lây qua đường tình dục thường gặp ở phụ nữ dưới 25 tuổi. Phần lớn những người mắc căn bệnh “thầm lặng” này đều không có bất cứ triệu chứng nào. Khí hư khác thường hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu có thể xuất hiện vài tuần sau khi bạn quan hệ với một đối tượng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng có thể tồn tại một khoảng thời gian trong cơ thể và tiến triển trong ống tiểu. Những triệu chứng này có thể dễ nhầm lẫn với những bệnh viêm nhẹ như bệnh viêm nấm âm đạo hoặc nhiễm trùng âm đạo. Vì vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy có những sự thay đổi về dịch tiết, đau hoặc bỏng rát. Chảy máu giữa kì kinh, đau cơ lưng dưới, đau bụng và đau khi quan hệ cũng là những triệu chứng tiềm tàng của căn bệnh này.

Chlamydia có thể di căn đến tử cung hoặc ống dẫn trứng, gây nên viêm vùng chậu (PID) nếu không được chữa trị. Bệnh này còn có khả năng gây sẹo ống dẫn trứng, làm tắc nghẽn và tổn thương suốt đời, dẫn đến vô sinh. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 2400 phụ nữ vô sinh vì không khám bệnh lây qua đường tình dục.

Sẹo còn có thể gây chửa ngoài tử cung, đe dọa đến tính mạng cả mẹ và con. Ngoài ra, bệnh chlamydia có thể gây sinh non và lây qua cho đứa bé trong quá trình sinh đẻ, làm đứa trẻ bị nhiễm trùng mắt hoặc sưng phổi. Ngoài ra, bệnh này còn làm gia tăng khả năng nhiễm HIV sau khi quan hệ không an toàn. Nếu được điều trị sớm trước khi bệnh tiến triển nặng thì chlamydia có thể được điểu trị hoàn toàn.

Lậu

Cũng như chlamydia, bệnh lậu cũng là một trong những bệnh phổ biến của chị em dưới 25 tuổi và phần lớn không có triệu chứng. Dấu hiệu bệnh cũng giống với chlamydia là chảy máu giữa kì kinh, huyết trắng khác thường và nhất là tình trạng đau rát có thể dễ khiến bạn nhầm lẫn với bệnh viêm âm đạo hoặc bàng quang. Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm trùng có thể lây lan rộng.

Nếu không điều trị sớm bệnh lậu có thể gây viêm vùng chậu, sẹo và tổn thương bộ phận sinh dục. Bệnh này còn có thể làm gia tăng khả năng nhiễm HIV, nghiêm trọng hơn còn đe dọa gây nhiễm trùng máu, não, tim và viêm xương khớp. Nếu mắc bệnh này trong giai đoạn mang thai, bạn sẽ bị tăng nguy cơ sinh non, con bị nhẹ cân, sảy thai và những biến chứng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe trẻ sơ sinh (mù lòa và nhiễm trùng máu). Tuy nhiên, lậu cũng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Herpes

Mọi người thường liên tưởng bệnh Herpes với những nốt mụn rộp đỏ, nhưng điều đó không hẳn đúng. Thực tế, theo ước tính có khoảng 90% người nhiễm Herpes chủng 2 thường không chẩn đoán được. Trong khi đó, virus Herpes loại 2 (HSV-2) đa phần gây mụn nước cơ quan sinh dục, virus Herpes loại 1 (HSV-1) lại gây loét miệng. Tuy nhiên, HSV loại 1 cũng có thể gây rộp bộ phận sinh dục nếu bạn quan hệ bằng đường miệng. Herpes hoạt động mạnh nhất ở giai đoạn mới nhiễm và có thể lây lan mà không biểu hiện loét miệng. Bên cạnh đó, bao cao su sẽ không thể bảo vệ bạn khỏi lây nhiễm virus Herpes.

Bên cạnh những căn bệnh “thầm lặng” trên, một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, như HIV và giang mai có thể tồn tại trong cơ thể bạn một khoảng thời gian ngắn trước khi phát bệnh ra ngoài. Ngoài ra, một số bệnh STD cũng không có triệu chứng, có thể lây lan và phát triển lên giai đoạn khác. Do đó, tốt nhất bạn cần tránh quan hệ tình dục không an toàn, tránh quan hệ với nhiều người, đồng thời kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn sức khỏe nhé.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Làm sao để phòng ngừa bệnh giang mai cho chị em?
  • 6 điều ngộ nhận về HIV/AIDS làm tăng khả năng lây nhiễm

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!