Stress là nguy cơ gây gia tăng bệnh tim mạch

Tâm lý - 04/29/2024

Khi bị stress và không có cách nào tốt để kiểm soát nó, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tim, cao huyết áp, đau ngực, hoặc rối loạn nhịp tim.

Stress chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch mà ít người biết đến. Tuy không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp nhưng nó là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Mối liên hệ giữa bệnh tim và stress

Những người hiểu biết về stress, có sức khỏe và tâm lý vững vàng sẽ dễ dàng vượt qua được những tác động của stress và vui tươi trong cuộc sống. Ngược lại, những người có cơ thể ốm yếu, suy sụp, không vượt qua và thích ứng nổi thì dễ phát sinh bệnh tật và có thể bị ảnh hưởng lớn bởi stress, dẫn đến đột tử khi gặp những cú sốc quá lớn trong cuộc đời.

Ngoài ra, nếu bạn thường bị stress và bạn không có cách nào tốt để kiểm soát nó, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tim, cao huyết áp, đau ngực, hoặc rối loạn nhịp tim.

Lý giải cho nguyên nhân này là khi chịu áp lực, não chúng ta phải vận động, cơ thể trở nên mệt mỏi, tâm trạng bất an, chán nãn… Điều này sẽ tác động đến  hệ thần kinh giao cảm và tiết ra một số hormone. Cụ thể là cơ thể giải phóng các chất như adrenalin và cortisol làm cho tim đập nhanh hơn, làm tăng huyết áp và máu chảy mạnh hơn. Các chất dự trữ trong gan và cơ thể theo đó chuyển hóa thành axít béo để tạo năng lượng cho hoạt động này.

Tuy nhiên ở góc độ khác, hoạt động này xảy ra nhanh sẽ khiến tim dễ bị thiếu máu cục bộ,  ngoài ra hệ thần kinh giao cảm cũng làm tác động đến thành mạch gây ảnh hưởng đến tế bào nội mạc. Chính các yếu tố này làm tăng sự lắng đọng cholesterol xấu lên thành mạch, chúng làm thu hẹp thành mạch gây nên xơ vữa động mạch (còn gọi bệnh mạch vành) – nguyên nhân chính của cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ…

Làm sao để giải tỏa stress?

Nếu bạn tìm cách đối phó với stress theo những cách không lành mạnh chẳng hạn như hút thuốc lá, ăn quá nhiều, hoặc không tập thể dục, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn. Mặt khác, nếu bạn tập thể dục, kết nối với mọi người, và tìm ra ý nghĩa cuộc sống bất chấp mọi căng thẳng, cảm xúc. Lúc đó cơ thể bạn sẽ tự động biến chuyển theo chiều hướng tích cực hơn.

Sau đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn:

  • Thay đổi những gì bạn có thể, để làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn;
  • Chấp nhận rằng có một số điều bạn không thể kiểm soát được;
  • Trước khi bạn đồng ý làm một cái gì đó, hãy xem xét liệu bạn thực sự có thể làm điều đó hay không. Bạn hoàn toàn có thể nói “không” với những yêu cầu sẽ khiến bạn thêm căng thẳng hơn trong cuộc sống;
  • Hãy kết nối với những người bạn yêu thương;
  • Dành cho mình một khoảng thời gian để thư giãn mỗi ngày. Bạn có thể đọc một cuốn sách, nghe nhạc, ngồi thiền, cầu nguyện, tập yoga hay thái cực quyền, đọc tạp chí, hoặc tự nhìn nhận lại những gì là tốt đẹp trong cuộc sống của bản thân;
  • Bạn hãy chơi một môn thể thao nào đó. Khi tập thể dục, bạn sẽ đốt cháy một số căng thẳng và trở nên sẵn sàng hơn để xử lý vấn đề.

Một số người phải trải qua thời gian dài đầy khó khăn vì họ bị trầm cảm. Nếu đó là bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn. Trầm cảm có liên quan đến bệnh tim, và nó cần được điều trị.

Nếu bạn thấy khó thay đổi cách bạn xử lý stress, hãy tham gia một lớp quản lý stress, đọc một cuốn sách về quản lý căng thẳng, hoặc đăng ký một cuộc khám bệnh với một bác sĩ chuyên khoa. Đó là một sự đầu tư sức khỏe và chất lượng cuộc sống hợp lý ngay từ bây giờ và kể cả trong tương lai nữa đấy.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

  • Bệnh căng thẳng thần kinh
  • Đánh tan căng thẳng bằng liệu pháp thiên nhiên
  • Đau đầu do căng thẳng hay là báo hiệu cơn đột quỵ?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!