Sử dụng sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa: Con dao hai lưỡi

Cần biết - 04/26/2024

Hiện nay, trên thị trường thuốc xuất hiện rất nhiều sản phẩm được gọi là men tiêu hóa hoặc men vi sinh.

Dù đây là một sản phẩm giúp cải thiện được các triệu chứng như ăn khó tiêu, rối loạn vi khuẩn ruột... nhưng khi nào thì nên sử dụng và sử dụng như thế nào cho đúng lại là một bài toán mà đến ngay cả bác sĩ cũng cần phải cân nhắc, bởi nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng sẽ gây hại...

Loạn thị trường...

Khi search từ khóa “men tiêu hóa” thì xuất hiện hàng loạt bài viết cũng như hình ảnh và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm này. Với đa dạng sản phẩm và dạng bào chế từ gel, nước đến bột khô... Từ hàng nhập khẩu đến hàng xách tay, xuất xứ Hàn Quốc, Pháp... Cùng với đó là giá thành sản phẩm cũng thay đổi theo từng sản phẩm và xuất xứ. Nhưng hầu hết đều quảng cáo về tác dụng diệu kỳ như: giúp trẻ ăn ngon miệng, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón...

Chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) cho biết, con chị đã 3 tuổi mà biếng ăn, không chịu ăn cơm, cơ thể gầy yếu và hay bị rối loạn tiêu hóa. Nghe quảng cáo men tiêu hóa có tác dụng cải thiện tiêu hóa, giúp trẻ tăng cân... nên chị mua hẳn loại “xịn” 400.000đ/hộp 10 gói về cho con uống. Thời gian đầu thì có cải thiện tình trạng của bé nhưng sau khoảng 3 đợt bổ sung thì men hết tác dụng.

Sử dụng sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa: Con dao hai lưỡi

Khi dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa (ảnh minh họa). Ảnh: TM

DS. Bùi Sỹ Thành (Công ty Dược phẩm Traphaco) cho biết: Các sản phẩm “men tiêu hoᔓmen vi sinh” cấp số đăng ký nhiều và thường là đăng ký thực phẩm chức năng (men tiêu hoá) hoặc sinh phẩm y tế (vi khuẩn sống). Hơn nữa, có rất nhiều cơ sở đóng gói sản xuất (mua về phân liều đóng gói). Thực phẩm chức năng cũng không bị kiểm soát nghiêm ngặt như thuốc cùng với chiến lược quảng cáo, PR rầm rộ... làm cho không ít bệnh nhân bị mê hoặc và mua về sử dụng một cách bừa bãi. Người tiêu dùng (bệnh nhân) thì thiếu kiến thức nên rất cần bác sĩ và dược sĩ (đặc biệt là dược sĩ tại các nhà thuốc) có kiến thức và y đức để hướng dẫn cho họ sử dụng đúng, tránh lạm dụng sản phẩm mà gây hại cho sức khỏe. Cần phải giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu sản phẩm đó bản chất là gì, khi nào cần dùng? Dùng với mục đích gì và dùng bao nhiêu là đủ?

Thuốc nào bệnh nấy

Theo DS. Thành, cơ thể người có sức khỏe bình thường thì có sự phối hợp chặt chẽ giữa các men tiêu hóa từ miệng đến ruột non. Khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc giảm bài tiết (do tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, viêm teo ruột kéo dài, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, do thói quen ăn uống xấu...), cơ thể sẽ thiếu các men tiêu hóa, lúc này thì cần phải bổ sung men tiêu hóa. Nhưng tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà lựa chọn nên bổ sung những loại men nào.

Đối với trẻ em ăn bột (cháo) không nhai hoặc người có thói quen ăn nhanh nuốt vội, nhai không kỹ hoặc người có bệnh lý ở tuyến nước bọt thì cần bổ sung men amylase để giúp bù đắp men này thiếu hụt do tuyến nước bọt hoạt động kém. Với người có bệnh lý ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, tăng tiết acid... thì cần bổ sung men pepsin, lipase. Người có bệnh lý ở tuyến tụy hoặc viêm/teo/cắt ngắn ruột non... lại cần bổ xung men amylase, trypsin, chymotrypsin, carboxypolypeptidase, lipase...

Có những sản phẩm men tiêu hoá có chứa đầy đủ tất cả các loại men, bao gồm cả xellulose... và được quảng cáo giúp tiêu hoá tất cả các thức ăn, kể cả những thức ăn khó tiêu nhất. Và đương nhiên các sản phẩm này sẽ đắt tiền hơn những sản phẩm chỉ chứa một vài loại men. Nếu bệnh nhân cứ thế mà mua về sử dụng là một sai lầm bởi không phải trường hợp nào cũng nên dùng sản phẩm này.

Đối với men vi sinh, chỉ dùng sau khi có sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn tạp khuẩn (thường gặp ở người bệnh vừa điều trị kháng sinh) với biểu hiện đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa...

Do vậy, bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm này kẻo “tiền mất tật mang”. Tốt nhất là trước khi sử dụng men tiêu hóa hay men vi sinh thì cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!