Nếu bạn chú ý đến những thay đổi của sức khỏe phụ nữ tuổi 30 càng sớm, khả năng duy trì vẻ đẹp trẻ trung và đẩy lùi sự lão hóa càng cao đấy!
Là phụ nữ, chúng ta luôn mong muốn bản thân xinh đẹp và có thể duy trì sự tươi trẻ. Khi bước vào độ tuổi 30, chắc hẳn rằng có rất nhiều điều làm bạn cảm thấy lo lắng, trong đó bao gồm cả tình trạng sức khỏe và vóc dáng, làn da. Cơ thể của bạn sẽ thay đổi và bạn cần quan tâm, chăm sóc chính mình nhiều hơn để duy trì sức khỏe cùng nhan sắc.
1. Bạn sẽ dễ tăng cân hơn
Rất nhiều chị em phụ nữ bắt đầu tăng cân khi bước vào độ tuổi 30 bởi vì cơ chế chuyển hóa bắt đầu chậm lại. Để duy trì cân nặng khỏe mạnh, điều quan trọng là bạn cần xây dựng một chương trình tập luyện thể chất phù hợp, bao gồm các bài tập nhịp điệu, chạy bộ, nhảy dây, chạy xe đạp hoặc bơi lội.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm soát chế độ ăn uống sao cho hợp lý, cân bằng giữa hàm lượng carb và chất béo hấp thu, đồng thời hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, tăng cường ăn tất cả các loại trái cây, rau củ quả. Một điều quan trọng không kém là hãy tránh xa các thức ăn nhanh, chiên xào đầy dầu mỡ và đồ ăn chế biến sẵn nhé.
2. Làn da xuất hiện nếp nhăn
Khi bước vào độ tuổi 30, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng làn da sẽ trở nên xỉn màu hơn, đồng thời có sự hình thành các nếp nhăn da xuất hiện ở khóe mắt, môi, trán. Nguyên nhân là do các tế bào da mới không còn kịp sản sinh và phát triển như thuở đôi mươi.
Đây chính là một phần bình thường của tiến trình lão hóa và sẽ dần phát triển khi bạn càng lớn tuổi. Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là hãy sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ cùng kem dưỡng ẩm mỗi đêm để giúp cấp ẩm và duy trì sự mềm mịn cho làn da. Đồng thời bạn nên thoa kem chống nắng kỹ lưỡng 30 phút trước khi ra ngoài trời để ngăn ngừa các tổn thương da như cháy nắng, sạm da.
3. Nguy cơ bị loãng xương
Dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng sự mất dần mật độ xương sẽ bắt đầu ở những năm 30 và có thể dẫn đến tình trạng xương mỏng, yếu hay phát triển thành căn bệnh loãng xương khi về già.
Không chỉ xương bị suy yếu, các cơ bắp của bạn cũng sẽ bắt đầu mất đi độ bền chắc, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc cản trở đến vóc dáng, sức mạnh và khả năng hoạt động cân bằng giữa các cơ. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng bởi vì vẫn có những biện pháp bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa tình trạng loãng xương và suy yếu cơ, bao gồm:
- Đảm bảo rằng chế độ ăn luôn cung cấp đầy đủ canxi, khoáng chất đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc xương, đồng thời giúp xương, răng luôn chắc khỏe.
- Luôn giữ bản thân năng động bằng cách tập luyện các bài tập rèn luyện sức lực như nhảy dây, nhảy múa hoặc loại hình thể dục nhịp điệu. Để tối ưu hóa sức khỏe và kiểm soát cân nặng, bạn nên dành ra 30–60 phút mỗi ngày để tập các bài tập có cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh 5–6 ngày một tuần. Ngoài ra, hãy tham gia tập luyện củng cố sức mạnh cơ bắp bằng cách tập nâng nhấc tạ 2–3 lần mỗi tuần.
4. Rủi ro sức khỏe khi mang thai
Rất nhiều phụ nữ ngày nay thường chờ cho đến khi đạt đến độ tuổi 30 mới muốn sinh em bé, bởi vì họ cần có thời gian để dành cho sự nghiệp và nâng cao khả năng tài chính, đặc biệt là ở những bà mẹ đơn thân. Nếu bạn đang trong tình trạng sức khỏe tốt và biết cách chăm sóc bản thân trước khi mang thai, đồng thời rèn luyện các thói quen sinh hoạt lành mạnh, bạn có thể trải qua thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra một em bé đáng yêu.
Tuy nhiên, dù sao bạn cũng cần phải lưu ý vì việc mang thai ở độ tuổi 30 sẽ mang lại một số rủi ro nhất định. Trên thực tế, khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ suy giảm ở những năm đầu tuổi 30, đặc biệt suy yếu mạnh hơn sau độ tuổi 35. Vì thế, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thụ thai so với một phụ nữ trẻ khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai và các vấn đề sức khỏe liên quan đến thai kỳ cũng sẽ gia tăng, đặc biệt ở những phụ nữ mang thai sau độ tuổi 35 trở lên, chẳng hạn như trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh. Tốt hơn hết là bạn nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ về thời điểm dự định mang thai nhé.
5. Bạn thường rất dễ căng thẳng
Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy căng thẳng hơn, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất khi bước sang độ tuổi 30. Đối với những phụ nữ ở độ tuổi này, họ luôn phải chịu áp lực khá lớn khi phải chăm sóc cha mẹ cao tuổi, con trẻ, vun vén gia đình và theo đuổi sự nghiệp.
Chính những tác nhân này ít nhiều sẽ khiến bạn đau đầu, dễ cáu gắt và bị stress. Do đó, bạn cần:
- Rèn luyện các thói quen sống, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp bạn cân bằng lại tâm trạng, đồng thời giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và có những cảm xúc tích cực.
- Xây dựng một chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý cùng ít chất béo sẽ giúp bạn kiểm soát tâm trạng và không còn lo lắng về cân nặng.
- Tập thói quen thường xuyên tập luyện thể thao để củng cố sức khỏe. Các bộ môn như yoga và thiền định cũng rất có ích trong việc điều chỉnh tâm trạng.
- Hạn chế hết mức việc tiếp xúc với rượu, bia và thuốc lá nhé. Nếu bạn thường xuyên hút thuốc, hãy đến gặp chuyên gia sức khỏe để hỏi cách cai thuốc càng sớm càng tốt. Còn nếu bạn thường uống rượu bia, hãy cố gắng hạn chế và chỉ nên uống tối đa 1 ly mỗi ngày.
Tuổi 30 của bạn sẽ trở nên tươi đẹp hơn nếu bạn biết cách chăm sóc sức khỏe và yêu thương bản thân của mình thật nhiều. Hãy thử áp dụng những biện pháp kể trên để cảm nhận những thay đổi tích cực của bản thân nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Béo bụng ở phụ nữ là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe không tốt?
- 5 điều phụ nữ nên biết để ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú
- 5 bí mật thầm kín về âm đạo của phụ nữ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!