Suy nhược thần kinh là bệnh tâm căn phổ biến ở nước ta, chiếm 60% trong số các bệnh tâm căn. Bệnh thường gặp ở người lao động trí óc nhiều hơn ở người lao động chân tay, người thành thị mắc bệnh nhiều hơn người nông thôn, nam mắc nhiều hơn nữ.
Vì sao bị suy nhược thần kinh?
Các nghiên cứu cho biết có nhiều nguyên nhân gây suy nhược thần kinh: Do chấn thương tâm lý kéo dài; Bị stress, thường là nhiều sang chấn tinh thần tích lại, cường độ trường diễn, làm cho người bệnh luôn ở trạng thái lo âu, áy náy, căng thẳng thần kinh. Tình trạng đó kéo dài mà người bệnh không tìm ra được phương hướng giải quyết, nên người bệnh luôn ở trạng thái ức chế.
Giai đoạn đầu còn bù trừ, nhưng về sau do một yếu tố không thuận lợi, bệnh phát sinh thực sự. Cơ bản, bệnh suy nhược thần kinh phải có stress tâm lý, nếu không chỉ là hội chứng suy nhược. Sự căng thẳng cảm xúc kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến suy nhược thần kinh. Ngoài ra, do những nhân tố gây chấn thương tâm thần tác động trên người bệnh, tuy cường độ không mạnh nhưng kéo dài; Các chấn thương tinh thần kéo dài như mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và yêu cầu xã hội, thất bại trong công việc và đời sống, bất hòa với tập thể, bị hiểu lầm, nghi ngờ oan uổng, mâu thuẫn trong gia đình, thất tình, vợ chồng không hòa hợp, con cái hư hỏng, mất người thân…
Suy nhược thần kinh thường khởi phát sau một thời gian sang chấn, cho đến khi gặp thêm một yếu tố nguy cơ thúc đẩy. Các yếu tố nguy cơ kích phát bệnh thường gặp gồm: người có loại hình thần kinh yếu, lao động trí óc quá mức, mệt mỏi, cuộc sống quá căng thẳng, môi trường sống bị tiếng ồn, điều kiện làm việc kém, mắc bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm mũi, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng…; Bị nhiễm độc mạn tính: nhiễm độc rượu, thiếu dinh dưỡng, mất ngủ kéo dài…
Suy nhược thần kinh khiến người bệnh mệt mỏi, khó tập trung (ảnh minh họa: Internet)
Biểu hiện bệnh thế nào?
Bệnh cảnh lâm sàng điển hình của suy nhược thần kinh gồm 3 loại triệu chứng chính: hội chứng suy nhược thần kinh; rối loạn cảm giác, giác quan; rối loạn thần kinh thực vật nội tạng.
Hội chứng suy nhược thần kinh với các dấu hiệu trạng thái kích thích suy nhược, đau đầu, rối loạn giấc ngủ.
Trạng thái kích thích suy nhược với biểu hiện:bệnh nhân dễ cáu kỉnh, dễ kích thích, nhạy cảm với các kích thích, khó tập trung, khó nhớ. Bất cứ kích thích nhỏ nào cũng làm cho bệnh nhân khó chịu như tiếng ồn, tiếng nói chuyện to, tiếng cười, tiếng động... đều làm cho người bệnh bực tức. Sự kích thích dễ bùng phát và cũng dễ tắt, nhưng thay thế nhanh bằng phản ứng suy nhược, chóng mệt mỏi, bệnh nhân có thể hưng phấn làm việc hăng hái một thời gian nhưng sau đó lại suy nhược kéo dài. Giai đoạn đầu bệnh nhân phản ứng, bực tức trong gia đình, trong công việc về sau trong mọi trường hợp. Người bệnh thường thiếu nhẫn nại, ai làm điều gì không vừa ý hoặc chậm trễ thì gắt gỏng bực tức, phản ứng quá mức. Người bệnh kém kiên nhẫn, không chịu nổi nếu phải chờ đợi. Nếu định làm việc gì, bệnh nhân nôn nóng muốn làm ngay nhưng mau chán, mệt mỏi hay bỏ cuộc. Lúc đầu bệnh nhân nghỉ ngơi còn đỡ mệt, về sau nghỉ ngơi cũng vẫn mệt.
Đau đầu: bệnh nhân có cảm giác căng thẳng hơn là đau dữ dội, căng đau lan tỏa hơn là đau khu trú, căng đau bề nông hơn là đau bề sâu, đau luôn thay đổi, phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc. Bệnh nhân bị đau đầu âm ỉ, đau toàn bộ hay khu trú ở vùng trán, vùng đỉnh đầu hoặc vùng thái dương. Người bệnh cảm giác như đội mũ chật, thắt khăn chặt, đau đầu tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng. Bệnh nhân có thể đau suốt ngày hoặc đau vài giờ, nhức đầu thường tăng lên khi xúc động hay mệt mỏi và giảm khi thoải mái, ngủ được.
Rối loạn giấc ngủ:bệnh nhân thường ít ngủ do trạng thái kích thích suy nhược, càng mất ngủ thì càng hưng phấn lan tỏa. Giấc ngủ nông dễ mơ, tần số mơ tăng và hay gặp ác mộng. Mất ngủ là một triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Mất ngủ do suy nhược thần kinh thì giấc ngủ thường không sâu, hay chiêm bao mộng mị, có người nằm mãi không ngủ được. Có bệnh nhân chỉ ngủ được đến nửa đêm rồi tỉnh dậy không sao ngủ được nữa. Các yếu tố: ánh sáng, tiếng ồn… làm cho người bệnh khó ngủ, sáng dậy người bệnh mệt mỏi rã rời, toàn thân nặng nề nhất là tay chân. Người bệnh lại buồn ngủ, ngủ gà ban ngày, nhưng lên giường nằm lại không ngủ được, khi đó nếu dùng thuốc an thần thường không có tác dụng.
Rối loạn cảm giác, giác quan: Bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, buốt xương sống, rối loạn cảm giác, chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, cảm giác đau nhức cơ, cảm giác khó chịu ngoài da như kiến bò, kim châm, nóng lạnh, tê, buồn… tăng phản xạ gân xương với dấu hiệu run tay, run lưỡi, giật mi mắt…
Rối loạn thần kinh thực vật nội tạng: Bệnh nhân thường bị hồi hộp, đau vùng ngực, nhịp tim nhanh, có thể có tiếng thổi tâm thu. Về tiêu hóa bị buồn nôn, nôn, ăn không ngon, trướng bụng, đầy hơi, táo bón. Rối loạn sinh dục: nam thì bất lực, nữ rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn cảm xúc: khí sắc trầm, dễ mủi lòng, dễ xúc động. Bệnh nhân thường lo lắng, khó chú ý chủ động, khó tập trung, mạch khi nhanh khi chậm, huyết áp dao động với chiều hướng hạ, đau vùng tim, tiếng thổi tâm thu. Rối loạn thân nhiệt tăng hoặc giảm nhẹ. Tăng tiết mồ hôi ở tay chân. Các triệu chứng không nhất thiết xuất hiện đầy đủ có thể một vài triệu chứng nào đó biểu hiện rõ rệt hơn các triệu chứng khác.
Điều trị ra sao?
Biện pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lý kết hợp dùng thuốc điều trị triệu chứng.
Điều trị triệu chứng có thể dùng các thuốc: giảm đau nhằm giảm đau đầu, đau lưng…, châm cứu, xoa bóp, lý liệu pháp. Dùng thuốc ngủ, thuốc trấn tĩnh, giảm lo âu, thuốc chống trầm cảm…
Điều trị nguyên nhân chủ yếu là biện pháp tâm lý nhằm loại trừ stress, tăng khả năng phản ứng, tạo ra trạng thái tâm lý ổn định thoải mái; bồi dưỡng nhân cách cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân vững vàng chống đỡ stress, tọa đàm tâm lý, tâm lý nhóm…
Cách gì phòng bệnh?
Suy nhược thần kinh có thể chữa khỏi và có thể phòng tránh được, bằng cách thực hiện các biện pháp đơn giản mà hiệu quả. Bệnh nhân suy nhược thần kinh cần chú ý đến những điểm sau đây: cần xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, xã hội, tránh các chấn thương tâm lý mạn tính; Tránh các tình trạng căng thẳng, cảm xúc mệt mỏi; Tổ chức cho bệnh nhân lao động và sinh hoạt hợp lý giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa làm việc và nghỉ ngơi giải trí; Tạo điều kiện giảm bớt tiếng ồn, tiếng động trong sản xuất cũng như ở môi trường sinh sống, đảm bảo giấc ngủ tốt, thường xuyên rèn luyện thân thể, rèn luyện nhân cách vững mạnh, phát hiện điều trị kịp thời các bệnh là nguyên nhân gây suy nhược thần kinh.
Nguyên nhân của tất cả các triệu chứng trên đây là do áp lực tinh thần, cho nên phải kiên trì giải quyết vấn đề tinh thần trước, có nghĩa là muốn loại bỏ sự mệt mỏi do suy nhược thần kinh, phải bắt đầu từ vấn đề điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần. Người bị suy nhược thần kinh cho dù có triệu chứng thân thể loại nào, cũng cần đến khoa tâm thần khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Việc điều trị cho bệnh nhân, cơ bản phải dùng liệu pháp tâm lý , giải thích hợp lý cho bệnh nhân, loại trừ sang chấn tâm lý phối hơp với dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, việc dùng thuốc gì và dùng như thế nào cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
ThS. Trần Minh Ngọc
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!