Tại sao bạn nên bổ sung axit béo cho bé?

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/29/2024

Cùng Hello Bacsi bổ sung axit béo cho bé với các chia sẻ về hàm lượng trẻ cần hấp thu và nguồn thực phẩm chứa axit béo thiết yếu tốt nhất.

Các axit béo thiết yếu là các loại chất béo cần thiết trong chế độ ăn uống của trẻ, cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất ra các chất này. Những chất béo này giúp xây dựng các tế bào, điều hòa hệ thần kinh, hệ thống tim mạch, giữ vững hệ miễn dịch và giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng. Các axit béo thiết yếu còn rất quan trọng để giúp trẻ phát triển não bộ khỏe mạnh.

Các axit béo thiết yếu bao gồm omega-6 (axit linoleic) và omega-3 (axit linolenic). Cả hai axit béo này đều là chất béo không bão hòa, làm hạ nồng độ cholesterol trong máu, giảm viêm nhiễm và bảo vệ trái tim của bạn.

Hầu hết mọi người hấp thụ omega-6 nhiều hơn so với omega-3. Một số chuyên gia nhận định sự mất cân bằng giữa chất béo omega-6 và omega-3 dễ gây ra suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng chứng viêm trong cơ thể và có thể dẫn đến một số bệnh lý như nhồi máu cơ tim hoặc tiểu đường loại 2.

Một số chuyên gia cũng khuyên bạn nên bổ sung chất béo omega-3 nhiều hơn trong chế độ ăn uống của mình.

Omega-6 và omega-3: con bạn cần hấp thụ khoảng bao nhiêu là đủ?

Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, bạn nên cho trẻ dùng:

  • 7 gam (g) chất béo omega-6 mỗi ngày;
  • 0,7 g chất béo omega-3 mỗi ngày.

Đối với trẻ từ 4 đến 8 tuổi, bạn nên cho trẻ dùng:

  • 10 g chất béo omega-6 mỗi ngày;
  • 0,9 g chất béo omega-3 mỗi ngày.

Chất béo omega-6 thường có rất nhiều trong chế độ ăn uống hằng ngày nên thường là bạn chỉ cần tập trung đảm bảo con bạn hấp thụ đủ omega-3. (Nhiều loại chất béo omega-6 có trong các loại thực phẩm đã qua chế biến có chứa các loại dầu chẳng hạn như dầu đậu nành.)

Con bạn không nhất thiết phải hấp thụ đủ các loại axit béo thiết yếu mỗi ngày. Thay vào đó, bạn nên nhắm đến mục tiêu cho trẻ ăn đủ liều lượng được khuyến khích tính trung bình trong một vài ngày hoặc vài tuần.

Các nguồn thực phẩm nào chứa axit béo thiết yếu tốt nhất?

Những nguồn cung cấp chất béo omega-3 bao gồm:

  • 15 g bơ đậu phộng bổ sung: 4,950 mg;
  • 5 ml dầu óc chó: 466 mg;
  • 5 ml dầu mầm lúa mạch: 310 mg;
  • 5 ml dầu đậu nành: 300 mg;
  • 5 ml dầu canola: 411 mg;
  • 1 quả trứng: 100 mg;
  • 120 g đậu hũ: 300 mg;
  • 30 g cá hồi: 425 mg;
  • 60 g đậu nành (khô, nấu chín): 500 mg;
  • 60 g cải xoăn nấu: 100 mg.

Bạn hãy tìm mua thêm những thực phẩm có bổ sung thêm omega-3 như bơ đậu phộng, sữa, sữa chua, nước ép cam, bơ thực vật hoặc trứng. Lượng omega-3 sẽ tùy thuộc vào loại sản phẩm hay thương hiệu khác nhau, bạn nên đọc kĩ nhãn mác trên sản phẩm để xác định lượng chất béo có trong mỗi sản phẩm. Chẳng hạn, bạn nên tìm mua những loại trứng có bổ sung ít nhất 100-200 mg omega-3.

Trẻ con có thể ăn nhiều hơn hoặc ít hơn khẩu phần cho phép tùy thuộc vào độ tuổi và khẩu vị của trẻ. Bạn hãy tự ước tính hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với con bạn.

Hầu hết chúng ta đều hấp thụ các chất béo omega-6 nhiều hơn bình thường (chủ yếu là từ các loại dầu thực vật). Bạn hãy chọn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo omega-3 để đảm bảo con bạn hấp thụ đủ lượng omega-3 cần thiết để cần bằng với lượng omega-6 mà trẻ đã hấp thu.

Con bạn hầu như đã hấp thụ đầy đủ lượng chất béo omega-6 cần thiết từ những thực phẩm đã qua chế biến có chứa dầu rum, dầu hướng dương, dầu ngô và dầu đậu nành:

  • 5 ml dầu hướng dương: 2966 mg;
  • 5 ml dầu ngô: 2400 mg;
  • 5 ml dầu đậu nành: 2300 mg.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!