Bác Huân, một cán bộ hưu trí 68 tuổi đang sống cùng với các con tại Hà Nội. Bác Huân là một bệnh nhân đái tháo đường đã nhiều năm nay. Chia sẻ với chúng tôi, bác cho biết: 'Tôi phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường một cách rất vô tình. Năm 2005, tôi bị sốt xuất huyết và khi phải thử máu tôi mới biết mình bị đái tháo đường. Bác sĩ bảo tôi có thể đã bị đái tháo đường trước đó nhiều năm mà không biết'.
Theo lời bác Huân, cuộc sống của bác, thậm chí của cả những thành viên trong gia đình đều thay đổi theo chế độ ăn kiêng của người đái tháo đường. Bác rất lo lắng cho sức khỏe, nghe nói bệnh đái tháo đường dẫn đến nhiều biến chứng như tim, thận. Bác chăm chỉ tập thể dục 30 phút mỗi ngày và hạn chế xem tivi trong thời gian dài. Đồng thời cũng tham gia Câu lạc bộ đái tháo đường để tìm hiểu thông tin về cách phòng tránh các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ bảo quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng, tháng nào bác cũng đến bệnh viện để kiểm tra đường huyết và men gan. Mỗi khi đi khám về, các con bác đều hỏi về chỉ số đường huyết. Hầu hết mọi người đều chỉ quan tâm đến chỉ số đường huyết nằm trong ngưỡng cho phép, vậy là yên tâm.
Bệnh nhân đái tháo đường cần đi khám mắt thường xuyên (ảnh minh họa: Internet)
Một lần đi họp cán bộ hưu trí cơ quan cũ gặp bà bạn cũng bị đái tháo đường như bác Huân, bà ấy nói rằng cách đây không lâu, thấy mắt mờ và đi khám mới phát hiện ra đây là biến chứng do bệnh đái tháo đường mà không thể phục hồi được. Bác Huân tìm đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt thì được biết rằng biến chứng mờ mắt do bệnh đái tháo đường gây ra và có thể gây mù.
Nghe lời bác sĩ, từ đó bác Huân chủ động đi khám mắt mỗi năm một lần để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường ở mắt. Bác sĩ cho biết, có một số biến chứng về mắt như bệnh tăng nhãn áp cấp tính ở bệnh nhân đái tháo đường mà không được điều trị trong vòng 72 giờ thì người bệnh có nguy cơ sẽ bị mù vĩnh viễn.
Bác Huân không phải là bệnh nhân đái tháo đường duy nhất không được khuyến cáo hoặc biết đầy đủ thông tin biến chứng về mắt do bệnh đái tháo đường gây ra. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh chóng nhất trên thế giới. Ước tính hiện tại có khoảng 3 đến 4 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Những bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được theo dõi, quản lý tại các phòng khám nội tiết nhưng không có chỉ định kiểm tra mắt định kỳ. Chỉ khi có dấu hiệu bất thường về thị lực bệnh nhân mới đến khám chuyên khoa mắt và thường lúc này đã có những tổn thương không thể phục hồi ở đáy mắt.
Một nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong số bệnh nhân được phát hiện mắc đái tháo đường, có đến 30-40% đã có biến chứng về mắt liên quan đến bệnh lý võng mạc đái tháo đường ở các mức độ khác nhau.
Bệnh nhân tiểu đường nên ăn gì? (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Việc xây dựng một mô hình quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường nhằm ngăn ngừa tỷ lệ mất thị lực do biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường là vô cùng cấp thiết. Trước hết cần sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị nội tiết và các đơn vị nhãn khoa cho từng tỉnh/khu vực trên cả nước. Một vấn đề quan trọng khác là mô hình phù hợp để quản lý số lượng bệnh nhân đái tháo đường đông đảo trong khi lực lượng nhân viên y tế trong lĩnh vực nhãn khoa rất ít. Song song với mô hình đó, việc nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, cộng đồng và nhân viên y tế, cũng như xây dựng các quy trình chuyên môn trong việc tầm soát và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường cũng vô cùng quan trọng.
>> Xem thêm: Infographic: 9 cách tránh biến chứng tiểu đường
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!