Ở nữ giới, vi khuẩn gây viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo. Sau đó có thể nhiễm lan lên tử cung, qua ống dẫn trứng vào hố chậu, gây viêm tiểu khung (đau vùng bụng dưới), sảy thai, chửa ngoài tử cung và hiếm muộn. Với trẻ sơ sinh - nếu đường sinh dục của người mẹ bị nhiễm Chlamydia, trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn này vào mắt hoặc phổi.
Đa số trường hợp nhiễm Chlamydia không được phát hiện vì không có triệu chứng lâm sàng hoặc rất mờ nhạt. Nữ thấy ra dịch bất thường, nhưng không rõ ràng, không gây quá khó chịu, làm người nhiễm bệnh khó phát hiện. Đặc biệt ở nữ chỉ thấy ra một chút ít dịch hơi đục, có thể trắng đục hoặc vàng đục... Dịch này không gây mùi khó chịu. Khi vệ sinh thông thường thấy đỡ, tạo cảm giác như do chế độ vệ sinh không thường xuyên gây ra.
Một số trường hợp có biểu hiện rõ ràng, người bệnh khó chịu phải đi khám gọi là cấp tính. Trong trường hợp này thường có thêm một vài vi sinh vật khác kết hợp cùng gây bệnh, gọi là nhiễm khuẩn phối hợp. Cũng có thể đái khó, khi khám có thể thấy tiết dịch mủ từ trong ống cổ tử cung ra (40%), cổ tử cung đỏ, to và dễ chảy máu.
Nam giới bị nhiễm Chlamydia thường bị viêm niệu đạo (Ảnh minh họa: Internet)
Viêm vùng chậu có thể gây sốt hay đau khi giao hợp. Do nhiều trường hợp rất ít có biểu hiện nên cần làm các xét nghiệm kể cả khi không có triệu chứng lâm sàng (60-70% số trường hợp nhiễm Chlamydia).
Với nam: tương tự như lậu, đôi khi có chất mủ tiết ra theo đường nước tiểu nhưng 25-50% số trường hợp là không có triệu chứng.
Chlamydia trachomatis lây trong lúc giao hợp và vi khuẩn có thể dính vào tay và lây vào mắt. Có điều may mắn là nhóm vi khuẩn Chlamydia lây từ cơ quan sinh dục lên mắt không trầm trọng như bệnh mắt hột, thường không gây mù lòa, rất dễ chữa.
Đến nay, ngày càng nhận thấy nhiễm Chlamydia ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây ra hiện tượng dính, bít tắc tử cung, vòi trứng, buồng trứng và các thành phần xung quanh hệ sinh sản nữ bị dính vào nhau bởi các dải xơ mỏng. Thậm chí các tạng ở xa hơn như gan và cơ hoành cũng có hiện tượng dính. Vòi trứng thường cũng bị tắc, do các dải xơ làm gấp góc vòi trứng hoặc dính vòi trứng bị bít lại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!