Tạo đường 'hầm' siêu nhỏ qua da để phẫu thuật lấy sỏi thận cho bệnh nhi

Thời sự - 11/24/2024

Ngày 24/4, Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Anh Toàn, Khoa Phẫu thuật Điều trị sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết các bác sỹ vừa áp dụng kỹ thuật mới phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm siêu nhỏ cho 3 bệnh nhi từ 3 - 7 tuổi.

Đây là kỹ thuật mới giúp loại bỏ sỏi thận ít mất máu, ít tổn thương nhu mô thận, ít đau, hồi phục nhanh sau mổ và hầu như không để lại sẹo.

Tạo đường 'hầm' siêu nhỏ qua da để phẫu thuật lấy sỏi thận cho bệnh nhi

Bác sỹ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật nội soi qua da lấy sỏi thận cho bệnh nhi 3 tuổi. Ảnh: TTXVN phát

Ba bệnh nhi gồm: Bé V.N.K (3 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) có sỏi kích thước 21x20mm cùng 2 sỏi nhỏ ở thận trái; bé P.Đ.N.Y (7 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) có sỏi 9x10mm ở thận phải và bé N.T.T.N (6 tuổi, ngụ thành phố Cần Thơ) có sỏi 9x13mm ở thận trái.

Người nhà cho biết, các cháu có biểu hiện thường đau hông lưng ở bên có sỏi thận, quấy khóc nhiều, ăn uống kém, sốt từng đợt. Dù được theo dõi và điều trị bằng thuốc thường xuyên nhưng các triệu chứng vẫn xuất hiện từng đợt và sỏi ngày một lớn lên.

Bác sỹ Đỗ Anh Toàn cho biết, việc điều trị sỏi thận ở bệnh nhi cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải vừa lấy sạch sỏi, đồng thời giữ được chức năng thận. Hiện nay, đối với các trường hợp sỏi thận lớn và có biến chứng ở trẻ em, phương pháp thường được áp dụng ở Việt Nam vẫn là mổ mở lấy sỏi. Tuy nhiên, nếu mổ mở, bệnh nhi phải chịu đường mổ dài, đau nhiều sau mổ, phục hồi chậm và nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận sau này.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ nhận định đây là các trường hợp sỏi gây biến chứng cần được điều trị triệt để. Nhằm giảm thiểu xâm lấn, các bác sỹ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi qua đường hầm siêu nhỏ qua da (UMP) vào thận dưới hướng dẫn của máy X-quang C-arm, sử dụng máy tán sỏi laser.

Các ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 1 giờ với sự phối hợp của các bác sỹ gây mê nhi từ Bệnh viện Nhi Đồng 1. Hình ảnh kiểm tra sau phẫu thuật cho thấy thận của các bệnh nhi đã sạch sỏi hoàn toàn; sẽ sớm ra viện.

Theo các bác sỹ, sỏi tiết niệu ở trẻ em tuy hiếm gặp hơn người lớn nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến hình thành sỏi tiết niệu ở trẻ em bao gồm di truyền, một số bệnh rối loạn chuyển hóa, dị tật hệ tiết niệu… Gần đây, số lượng trẻ em mắc sỏi tiết niệu tăng hơn so với trước, có thể do trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh có hàm lượng muối, đạm cao, không uống đủ nước, ít vận động.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị sỏi tiết niệu là đau âm ỉ vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, buồn nôn, nếu nhiễm khuẩn có sốt và vã mồ hôi. Trẻ nhỏ bị sỏi thận thường có biểu hiện quấy khóc, tiểu gắt buốt, sốt lạnh run, chậm tăng cân. Trong một số trường hợp, bệnh nhi không có triệu chứng đau, nhưng được phát hiện sỏi thận tình cờ qua siêu âm bụng khi khám sức khỏe.

Các bác sỹ khuyến cáo, để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và phòng ngừa sỏi tiết niệu ở trẻ em, phụ huynh đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc để phát hiện các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu; tập thói quen cho trẻ uống đủ nước, ăn đầy đủ các nhóm thức ăn, hạn chế ăn mặn, tránh táo bón, tránh nhịn tiểu, tránh để trẻ dư cân, béo phì.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!