Tê tay chân là dấu hiệu của nhiều bệnh

Kỹ năng sống - 05/06/2024

Tê bì chân tay sinh lý có thể do ngồi hay làm việc ở một tư thế quá lâu làm cho máu khó lưu thông, ứ đọng,...

Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ! Em năm nay 22 tuổi gần đây em thấy 10 đầu ngón tay bị tê, cảm giác như bị kiến cắn, đầu gối 1 bên thì nhức. Vậy xin hỏi Bác sĩ em bị bệnh gì? nên ăn uống như thế nào và hướng điều trị ra làm sao? Mong chuyên mục tư vấn cho em!

Tê tay chân là dấu hiệu của nhiều bệnh

Ảnh minh họa

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Chào em!

Hiện tượng tê bì chân tay khá thường gặp, có thể chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường hoặc có thể là triệu chứng của một số bệnh lý.

Tê bì chân tay sinh lý có thể do ngồi hay làm việc ở một tư thế quá lâu làm cho máu khó lưu thông, ứ đọng, chuyển hóa yếm khí sinh ra axít lactic, lắng đọng ở cơ và tổ chức gây đau mỏi, tê bì chân tay. Khắc phục tình trạng này bằng cách khi làm việc lâu, em nên thay đổi tư thế, vận động chân tay.

Tê bì chân tay bệnh lý có thể gặp trong các bệnh: thiếu các vitamin và khoáng chất (vitamin B1, B12, Canxi, kali, axít folic,…), các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu nhưng nhóm bệnh này ít gặp ở độ tuổi của em, có thể do dây thần kinh chi phối bị tổn thương có thể do chèn ép ống cổ tay, thoái hóa cột sống cổ,…Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gặp trong một số bệnh khác như: nhiễm độc thạch tín, thủy ngân,các nhiễm trùng mạn tính,… Trong đó, tê bì do thiếu vitamin B1 là thường gặp nhất và khắc phục chủ yếu bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường các đồ ăn giàu vitamin B1. Vitamin B1 có nhiều trong gạo, lúa mì, đậu đỗ, các thức ăn động vật,…Vì vậy, gạo nấu cơm không nên xay xát quá kĩ vì sẽ làm mất một lượng lớn vitamin B1. 

Mỗi nguyên nhân gây tê bì chân tay có hướng điều trị và xử trí khác nhau nên trước tiên em cần chú ý không nên làm việc quá lâu ở một tư thế, ăn chế độ ăn giàu vitamin B1. Sau một thời gian nếu tình trạng tê bì chân tay không đỡ giảm thì em nên đi khám để Bác sĩ trực tiếp thăm khám tìm ra nguyên nhân và điều trị cho em!

Chúc em khỏe!

Câu hỏi 2: Thưa Bác sĩ! Em hay bị tê chân, tê tay sau những ngày làm việc nặng, hoặc ngồi lâu. Vậy em có bệnh gì không?

Tê tay chân là dấu hiệu của nhiều bệnh

Ảnh minh họa

BS. Trần Thị Hồng Thanh, Trường TCYT Đặng Văn Ngữ, trả lời:

Chào em!

Có rất nhiều nguyên nhân gây tê chân, tê tay. Tuy nhiên, em chỉ bị tê chân, tê tay sau khi làm việc nặng hoặc ngồi lâu là do mạch máu và thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông. Đây là triệu chứng hết sức bình thường. Em cần nghỉ ngơi và không ngồi lâu ở một tư thế, như vậy em sẽ hết tê chân, tê tay thôi. Ngoài ra, tê chân, tê tay cũng có thể là do thiếu sinh tố B1, B12, axít folic, canxi, kali… 

Nếu tình trạng tê chân, tê tay vẫn không đỡ khi em nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế ngồi, em có thể giảm tình trạng tê chân, tê tay bằng một số phương pháp như: 

- Ngâm tay, chân trong nước nóng có pha muối cho mạch máu giãn ra sẽ đỡ tê. 

- Dùng tay trái xoa bóp cho tay phải và ngược lại, sau đó xoa bóp chân cho khí huyết lưu thông. 

- Có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung vitamin B1, B12, axit folic, canxi, kali. Không uống nhiều rượu, vì rượu gây hại cho tế bào thần kinh ngoại vi.

Chúc em sức khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!