Thai ngoài tử cung thường bị nhầm với nhiễm trùng đường tiểu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bởi dấu hiệu là tiểu gắt và nặng, tức vùng bụng dưới từ ngày hôm trước, hôm sau triệu chứng nặng thêm dẫn đến choáng váng, muốn xỉu.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giải thích thai ngoài tử cung là tình trạng trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài buồng tử cung, chẳng hạn như tại vòi trứng hay trong ổ bụng. Theo thống kê sơ bộ cứ 1.000 trường hợp mang thai nhập viện thì có khoảng 10 đến 12 ca mang thai ngoài tử cung.

Thông thường thai ngoài tử cung xảy ra khi có sự cản trở trứng thụ tinh từ vòi trứng vào buồng tử cung làm tổ. Tình trạng này thường do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, khối u chèn ép vòi trứng ngay cả nạo phá thai nhiều lần hay thường xuyên dùng các loại viên tránh thai khẩn cấp cũng là những lý do góp phần bệnh này dễ xuất hiện hơn.

Về cơ bản, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Song những thống kê gần đây cho thấy tình trạng này gia tăng ở nhóm phụ nữ trẻ chưa muốn có con mà quan hệ tình dục không an toàn và ngừa thai không đúng cách.

Theo diễn biến sinh lý tự nhiên của một ca mang thai bình thường, thai phát triển làm tăng lượng máu nuôi đến vùng chậu giúp khối thai phát triển tốt. Nếu thai nằm ngoài buồng tử cung, sự phát triển của mạch máu gặp bất lợi, khi khối thai vỡ ra sẽ gây mất máu nhanh chóng, tụt huyết áp trầm trọng, choáng váng, ngất xỉu. Nếu không cứu chữa kịp thời bằng phẫu thuật cầm máu (đôi khi vừa truyền máu vừa phẫu thuật), người bệnh rơi vào hôn mê, suy chức năng tất cả cơ quan trong cơ thể và tử vong.

Thai ngoài tử cung thường bị nhầm với nhiễm trùng đường tiểu

Một phụ nữ bị thai ngoài tử cung điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: TT.

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận và điều trị một thai phụ 32 tuổi được đưa vào viện cấp cứu khi trên đường đến công ty làm việc. Bệnh nhân than tiểu gắt và nặng tức vùng bụng dưới từ ngày hôm trước, đến hôm sau triệu chứng không thuyên giảm mà nặng thêm dẫn đến choáng váng, muốn xỉu. Chị cho biết: 'Tôi đang trong chu kỳ kinh. Từ hôm qua đến nay thấy tiểu khó, cứ mắc tiểu nên phải đi liên tục'. Chị tự mua thuốc trị nhiễm trùng tiểu uống nhưng triệu chứng không thuyên giảm mà càng trầm trọng hơn.

Bác sĩ cấp cứu nghi ngờ bệnh nhân bị thai ngoài tử cung, có khả năng đã vỡ khối thai vào trong ổ bụng làm máu ứ đọng, kích thích đường tiểu, gây các triệu chứng giống nhiễm trùng đường tiểu. Đồng thời máu vào ổ bụng cũng gây tụt huyết áp, thiếu máu lên não khiến người bệnh choáng váng và muốn xỉu.

Ê kíp bác sĩ tiến hành truyền dịch đồng thời thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm cấp cứu tại giường bệnh để xác định chẩn đoán. Chưa được 20 phút sau thai phụ được chuyển lên phòng mổ với chẩn đoán thai ngoài tử cung đã vỡ. Người bệnh được phẫu thuật nội soi cầm máu kịp thời và qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Hậu cho biết trung bình mỗi tháng Khoa Cấp cứu tiếp nhận và phẫu thuật khoảng 8 đến 10 trường hợp tương tự như trên. Nhờ sử dụng các phương tiện hiện đại tại chỗ cho phép siêu âm cấp cứu tại giường giúp cho việc chẩn đoán nhanh chóng và chính xác các bệnh lý cần phẫu thuật khẩn cấp của ngoại khoa và sản phụ khoa. Nhờ đó giảm thiểu các biến chứng do phẫu thuật chậm trễ gây ra, nâng cao khả năng cứu sống và chữa lành, ngay cả với các bệnh lý hiểm nghèo.

Dấu hiệu và triệu chứng mang thai ngoài tử cung (P1) (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)

Theo ghi nhận của bác sĩ Hậu, nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn giữa việc ra huyết chu kỳ kinh với tình trạng xuất huyết do thai ngoài tử cung gây ra.  Đây thường là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn nhất khiến bệnh nhân mất cảnh giác nên chậm trễ đến khám và nhập viện. Theo khuyến cáo chung, thai ngoài tử cung thường gây tam chứng kinh điển (3 triệu chứng đồng thời) là trễ kinh, đau bụng và ra huyết, tuy nhiên không phải lúc nào cũng biểu hiện đầy đủ và rõ ràng.

Trong một số trường hợp khác, thai ngoài tử cung chỉ biểu hiện triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài ra phân nước, uống thuốc không thuyên giảm. Bác sĩ Hậu từng điều trị cấp cứu cho một nữ sinh viên năm hai tại TP HCM bị đau bụng kèm đi ngoài phân nước nhiều lần. Bệnh nhân uống thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa nhưng không thuyên giảm. Cô gái cho biết thường xuyên uống thuốc ngừa thai khẩn cấp.

Kết quả siêu âm cho thấy nữ sinh mang thai ngoài tử cung. May mắn là khối thai chưa vỡ và còn nhỏ nên bệnh nhân được nhập viện và điều trị nội khoa bằng thuốc mà không cần phải phẫu thuật.  Theo phó giáo sư tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Kim Phụng, Phụ trách phòng khám khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những trường hợp thai ngoài tử cung nhập viện sớm, khối thai chưa vỡ, kích thước còn nhỏ đều có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Phương pháp này giúp người bệnh tránh phải mổ và các biến chứng phẫu thuật đồng thời bảo tồn được vòi trứng cho khả năng sinh sản về sau.

>> Xem thêm: Thai ngoài tử cung có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!