Thai nhi bị ảnh hưởng khi mẹ bầu căng thẳng

Mang thai - 05/01/2024

Mẹ bầu căng thẳng khi mang thai nguy cơ sinh con thiếu tháng, sảy thai, nhẹ cân, dễ nhiễm khuẩn…

Stress được coi là tác nhân gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, stress gây rối loạn nội tiết, gây nguy cơ với bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy người mẹ bị stress trong thời kỳ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của bé. Bài viết dưới đây cung cấp kiến thức về một số ảnh hưởng của stress đến sự phát triển của bé trong và sau thai kỳ:

1. Nguy cơ trẻ sinh thiếu tháng:

Trẻ sinh thiếu tháng khi trẻ chào đời trước 37 tuần, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sinh thiếu tháng, tuy nhiên rất nhiều nhà khoa học tin rằng những người mẹ chịu tác động của stress trong thơi kỳ mang thai sẽ dễ bị sinh non. Thời gian trẻ sinh càng sớm bao nhiêu thì nguy cơ trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp bấy nhiêu, ngoài ra trẻ sinh thiếu tháng cũng có thể có nguy cơ với những tổn thương suốt đời như chứng bại não.

2. Tăng nguy cơ sảy thai:

Thai nhi bị ảnh hưởng khi mẹ bầu căng thẳng

Ảnh minh họa

Sảy thai là cơn ác mộng với người mẹ trong thai kỳ, có nhiều lý do dẫn tới sảy thai như người mẹ bị nhiễm một số bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ mang thai, người mẹ có tiền sử hút thuốc lá, chấn thương trong thời kỳ mang thai… Tuy nhiên có nhiều trường hợp xảy thai mà nguyên nhân còn chưa rõ.

Những năm gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên quan giữa sảy thai với tình trạng của người mẹ bị stress nặng nề trong thai kỳ, nhất là stress trong 3 tháng đầu tiên hoặc ngay sau khi thụ thai. Hoóc-môn CRH không những có mặt ở não của người mẹ bị stress mà còn có mặt ở nhiều nơi trong cơ thể. CRH được giải phóng sẽ kích thích tế bào ‘mast’ (mast cell), một loại tế bào tiết ra các chất hóa học gây nên phản ứng dị ứng của cơ thể.

Không chỉ CRH, một loại hoóc-môn khác có tên là Cortisol cũng đóng vai trò quan trọng. Khi chịu những tác động stress mạn tính, cơ thể sẽ tăng tiết Cortison theo kích thích của trục dưới đồi- tuyến yên – tuyến thượng thận. Cortisol tăng tiết làm biến đổi nồng độ hoóc-môn Progesteron, ảnh hưởng đến sự phát triển và biến đổi của tử cung trong thời kỳ mang thai.

3. Sinh nhẹ cân:

Đứa bé được coi là nhẹ cân nếu trọng lượng của thai nhi dưới 2,500gram khi sinh ra. Trẻ nhẹ cân có thể sinh đủ tháng hoặc sinh thiếu tháng. Một số bà mẹ trong thời kỳ mang thai được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nhưng đứa bé sinh ra lại nhẹ cân hơn bình thường.

Một trong những nguyên nhân là do người mẹ chịu tác động của stress trong thời kỳ mang thai. Dưới tác động của stress, một số hoóc-môn như Epinephrine, Norepinephrine và Cortisol được giải phóng, các hoóc-môn này có tác dụng làm co mạch, dẫn đến giảm lưu lượng dòng máu đến nuôi dưỡng thai nhi qua dây rốn. Điều đó khiến cho thai nhi bị thiếu nuôi dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ, nhất là trong 3 tháng đầu tiên khi các cơ quan và tổ chức thần kinh được hình thành. 

4. Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn:

Người mẹ mang thai có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao hơn nhất là khi chịu tác động của stress. Điều này là do stress đã tác động làm tăng hàm lượng Cortisol và nếu Cortisol tăng tiết trong một thời gian dài thì sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể do làm giảm số lượng tế bào chịu trách nhiệm với nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút. Đáp ứng của stress làm cho hoạt động của tế bào bạch cầu trở nên ít hiệu quả hơn.

Thai nhi bị ảnh hưởng khi mẹ bầu căng thẳng

Ảnh minh họa

Một số thuốc thông thường làm giảm triệu chứng bệnh và giúp cơ thể hồi phục nhưng lại chống chỉ định trong thời kỳ mang thai. Vì vậy khi người phụ nữ mang thai xuất hiện bệnh thì cơ thể  họ sẽ mất thời gian lâu hơn để hồi phục do ít có những chọn lựa trong điều trị bằng thuốc. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé. Phụ nữ mang thai chịu tác động của stress mạn tính do đó dễ nhạy cảm với tác nhân nhiễm trùng, đáng lưu ý là nhiễm trùng đường tiết niệu, mặc dù hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm là trường hợp nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết.

5. Ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ:

Những nghiên cứu gần đây cho thấy có liên quan giữa những rối loạn hành vi của trẻ sau khi sinh với tình trạng stress của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Stress có ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của trẻ khi có một lượng lớn hoóc-môn được giải phóng vào nhau thai. Trẻ sau khi sinh có thể gặp những vấn đề về rối loạn thể chất, rối loạn hành vi và rối loạn cảm xúc, trẻ dễ cáu giận, kích thích, chậm phát triển tinh thần  nhất là những bà mẹ chịu gánh nặng stress trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. 

Nhìn chung, stress được xem là một tác nhân bất lợi cả về thể chất và tinh thần đối với sự phát triển của trẻ trong thai kỳ. Vì vậy, các bà mẹ nên lưu ý theo dõi những biến đổi cơ thể, nhận biết và kiểm soát các dấu hiệu của tình trạng stress, định kỳ khám thai và có chế độ làm việc, dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để phòng tránh những ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe của mẹ và bé./. 

ThS. Nguyễn Kiên Cường

Viện Y học Cổ truyền Quân đội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!