Thận trọng khi dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Thận trọng khi dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP): Không bao giờ được coi PrEP là biện pháp hàng đầu để phòng vệ chống lại HIV.

Sau một số công bố kết quả nghiên cứu về việc dùng thuốc kháng vi-rút để dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) có hiệu quả (trong các nhóm quan hệ tình dục khác giới và đồng giới), các quan chức của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết sẽ xem xét lại một cách đầy đủ các dữ liệu thu được từ tất cả các nghiên cứu trên. Từ đó, CDC sẽ phối hợp với nhiều cơ quan, viện nghiên cứu có liên quan khác,  thành lập các nhóm làm việc để xây dựng hướng dẫn chuyên môn cụ thể về sử dụng PrEP ở Mỹ.

Đồng thời CDC cũng thuyết phục người dân cũng như các nhà cung cấp dịch vụ y tế ở Mỹ hãy chờ đợi hướng dẫn này trước khi tính đến việc sử dụng PrEP.

Thận trọng khi dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)

Không bao giờ được coi PrEP là biện pháp hàng đầu để phòng vệ chống lại HIV (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, đối với những nhà cung cấp dịch vụ y tế nào mà có khách hàng cho rằng việc sử dụng PrEP là cấp bách với họ, CDC khuyến cáo vẫn cần tuân thủ theo các cảnh báo trước đây, như:

- PrEP chỉ được sử dụng cho những người được khẳng định là chưa nhiễm HIV, do vậy họ cần phải được xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu dùng thuốc và việc xét nghiệm này được tiến hành định kỳ sau đó. Điều này là rất quan trọng đối với tất cả những ai có ý định sử dụng PrEP.

- Tất cả những ai định sử dụng PrEP cũng đều phải được thăm khám và đánh giá các tình trạng sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến tác dụng của PrEP.

- Không bao giờ được coi PrEP là biện pháp hàng đầu để phòng vệ chống lại HIV. PrEP chỉ cho thấy có hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng khi nó được cung cấp cùng với các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV khác, như: xét nghiệm HIV định kỳ, sử dụng bao cao su và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống khác.

- Việc sử dụng PrEP hàng ngày là yếu tố then chốt. Các nghiên cứu đã có chưa hề đề cập đến những phác đồ khác.

- PrEP cần được kê đơn và sử dụng trong sự hợp tác chặt chẽ với người cung cấp dịch vụ để đảm bảo tuân thủ điều trị, xét nghiệm HIV định kỳ và các biện pháp giảm hành vi nguy cơ khác, cũng như đảm bảo tư vấn, giám sát chặt chẽ độ an toàn… Do vậy, bất kỳ ai có ý định dùng PrEP đều phải trao đổi trước với bác sĩ của mình.

PrEP mới được thử nghiệm lâm sàng có kết quả giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục (nam – nam, nam – nữ) chứ chưa được thử nghiệm trên nhóm tiêm chích ma túy.

Do phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú không tham gia vào các nghiên cứu đã có về PrEP nên cần phải có nghiên cứu tiếp theo.

Nguồn: Theo tài liệu của CDC, Mỹ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!