Thay khớp gối nhân tạo

Các bệnh - 04/28/2024

Thay khớp gối là một phẫu thuật ngày nay đã trở thành thường quy để thay thế cho khớp gối bị hư hại, bị bào mòn hay bị bệnh mà nhiều nhất là viêm xương - khớp bằng một khớp nhân tạo, được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không thể giúp làm giảm đau hay khôi phục lại được chức năng khớp; giúp đem lại cho bệnh nhân cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ai cần thay khớp gối?

Khớp gối nhân tạo toàn phần gồm 3 thành phần chính là: phần lồi cầu đùi, phần mâm chày (làm bằng hợp kim kim loại) và mảnh chèn nằm giữa hai thành phần trên (làm bằng polyethylen chất lượng cao).

Khớp gối nhân tạo toàn phần có thể chia làm 3 loại: khớp gối nhân tạo không có hạn chế (non contraint), hạn chế một phần và hạn chế toàn phần. Trong đó, loại khớp gối nhân tạo không hạn chế là loại thường được dùng nhất hiện nay cho hầu hết các loại bệnh lý hư khớp gối. Loại này gồm hai loại chính đang được sử dụng rộng rãi là: loại xoay được và loại không xoay được. Khớp gối nhân tạo có tuổi thọ trên dưới 15 năm, nhất là khi khớp thay mới được chăm sóc phù hợp.

Người lớn ở mọi lứa tuổi đều có thể xem xét thay khớp gối khi khớp gối bị hư hoàn toàn và không thể điều trị nội khoa, thay nhiều nhất là những người 60 - 80 tuổi và hiện đang có nhiều hơn những người trẻ được thay khớp gối. Trong phẫu thuật, các phần xương và sụn bị hư hại của xương đùi, xương chày và xương bánh chè được cắt bỏ và thay bằng một khớp nhân tạo làm bằng hợp kim kim loại, các chất dẻo và polymer chất lượng cao. Khớp nhân tạo có thể xoay và trượt khi gập đùi.

Thay khớp gối nhân tạoHình X-quang thay khớp một ngăn

Các chỉ định của phẫu thuật thay khớp gối

- Bạn bị đau nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng đi lại.

- Đau khớp gối ảnh hưởng đến chất lượng sống và giấc ngủ.

- Làm công việc hàng ngày, thí dụ chợ búa hay đi ra khỏi bồn tắm.

- Bạn cảm thấy phiền muộn vì đau và mất vận động.

- Bạn không thể làm việc và sinh hoạt hàng ngày bình thường.

Đôi khi, phim X-quang cho thấy khớp gối hư hại nhiều, nhưng điều đáng ngạc nhiên là khi bệnh nhân không đau hoặc chỉ đau ít vẫn chưa có chỉ định thay khớp gối nhân tạo.

Các chống chỉ định của thay khớp gối

Bao gồm: bệnh nhân không thể chịu được cuộc mổ và có những bệnh lý nội khoa kèm theo như mắc bệnh tim mạch, suy thận (điều này sẽ được thảo luận giữa bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và bác sĩ nội khoa trước khi mổ)…; các bệnh nhân trẻ tuổi nên hạn chế thay khớp vì khớp nhân tạo có tuổi thọ nhất định khoảng 10 - 15 năm nên sau đó nếu khớp thay bị hư sẽ phải thay lại.

Người tình trạng thừa cân - béo phì quá có thể thay khớp gối một ngăn được không? Nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự ảnh hưởng của cân nặng lên chỉ định thay khớp gối một ngăn, nên người thừa cân vẫn có thể được thay khớp gối nếu có chỉ định.Tuy nhiên ở những bệnh nhân quá mập, nguy cơ hư khớp nhân tạo sẽ xuất hiện sớm hơn.

Ngoài những bệnh nhân không thể thay khớp gối là:

- Bệnh nhân bị viêm khớp gối sẽ không được thay khớp gối một ngăn vì nguy cơ nhiễm trùng cao. Cần điều trị triệt để nguyên nhân viêm trước khi quyết định thay khớp gối.

- Bệnh nhân bị loãng xương quá nặng.

- Bệnh nhân có gối bị biến dạng nặng.

- Bệnh nhân có gối bị cứng hay quá lỏng lẻo.

Biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cũng là phẫu thuật lớn (đại phẫu), do đó cũng có thể cần phải truyền máu. Các biến chứng trong mổ, sau mổ vẫn có thể xảy ra như nhiễm trùng, chảy máu tại khớp gối, khớp bị đặt sai, chân không được thẳng trục, cứng khớp gối, mất gập hay duỗi gối, cục máu đông hay huyết khối tĩnh mạch sâu, đau dai dẳng tại khớp gối, gãy xương quanh vùng khớp nhân tạo, khớp nhân tạo không thật vững và có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh, tử vong quanh mổ…

Chế độ tập sau mổ thay khớp

Sau mổ, bệnh nhân sẽ được tập vật lý trị liệu và có chế độ tập đi lại thích hợp. Lúc đầu phải dùng khung chống hay nạng để tập theo hướng dẫn giúp làm mạnh khớp gối. Có thể bỏ các phương tiện giúp tập đi sau khoảng 6 tuần và bắt đầu đi xe sau 8 - 12 tuần. Phải sau 2 năm mới hồi phục hoàn toàn được.

Không như khớp háng dễ bị trật, khớp gối rất hiếm khi bị trật, tùy loại khớp mà bệnh nhân có thể gập duỗi gối thoải mái không hạn chế kể cả có thể ngồi xổm hay quỳ được.

Nếu không may bị nhiễm trùng, khớp gối nhân tạo có thể phải chờ thời gian hết nhiễm trùng mới thay lại khớp khác. Khi khớp bị hư mòn hay bị lỏng không còn dùng được nữa phải thay lại, khi đó chi phí sẽ cao hơn khi thay lần đầu.

Thay khớp gối nhân tạoMột ca phẫu thuật thay khớp gối

Đầu gối là khớp dễ bị thoái hóa

Tại một hội nghị về tiến bộ trong thay khớp gối do BV Việt Đức tổ chức vào tháng 4/2019, Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ bị thoái hóa khớp gối chiếm khoảng 20% dân số. Tại Việt Nam, từ các thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ này ở người trên 40 tuổi chiếm trên 23% và con số này đang ngày càng tăng nhanh.Nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn 3 - 4 sẽ buộc phải thay khớp nhân tạo.

Viêm xương khớp, thường được gọi là viêm khớp hao mòn, là một tình trạng trong đó đệm tự nhiên giữa các khớp - sụn - mòn đi. Sự cọ xát dẫn đến đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và hình thành các gai xương.

Viêm xương khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất, thường sau tuổi 45, nguy cơ tiến triển viêm xương khớp gối tăng lên.Theo Quỹ Giúp đỡ Bệnh nhân Viêm Khớp (Arthritis Foundation), đầu gối là khớp chịu tải và là một trong những nơi thường bị tổn thương và thoái hóa nhất.

Mặc dù tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính gây viêm xương khớp đầu gối, nhưng những người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh này. Đối với một số trường hợp, thoái hóa khớp gối có thể là do di truyền. Đối với những người khác, viêm khớp đầu gối có thể do chấn thương hoặc nhiễm trùng hoặc thậm chí do tình trạng thừa cân béo phì. Trọng lượng làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là đầu gối.Cứ tăng thêm một kg cân nặng, áp lực trọng lượng lên khớp gối tăng gấp 3 - 4 l ần.

Nghiên cứu của Hội Thấp khớp học Việt Nam cho thấy đa số bệnh nhân thoái hóa khớp gối chủ yếu làngười lao động chân tay (chiếm 80,6%) vì nhiều hoạt động có thể gây căng thẳng cho khớp có thể dẫn đến các chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại. Bao gồm: thường xuyên nâng vật nặng, gấp gối, quỳ, đứng lâu (trên 2 giờ mỗi ngày), đi bộ trên 3km/ngày...

Các vận động viên tham gia đá bóng, tennis hoặc chạy đường dài cũng là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh viêm xương khớp đầu gối cao hơn.Điều đó có nghĩa là các vận động viên nên có biện pháp phòng ngừa để tránh chấn thương.Tuy nhiên, cần lưu ý, tập thể dục vừa phải đều đặn giúp củng cố các khớp và có thể làm giảm nguy cơ viêm xương khớp.Trên thực tế, các cơ yếu quanh đầu gối có thể dẫn đến viêm xương khớp.

Đau tại khớp bị thoái hóa là triệu chứng chính khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau.Trong thoái hóa khớp gối, bệnh nhân thường bị đau khi đi lại, khi đứng lên và ngồi xuống.Đặc biệt, buổi sáng khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi một lúc, khớp mới vận động dễ dàng hơn.Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút.Giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.

Bệnh thoái hóa khớp ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu, làm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp đã có những tiến bộ trong những thập kỷ qua cùng với sự phát triển của công nghệ và hướng điều trị mới giúp cải thiện chất lượng sinh hoạt rất nhiều cho bệnh nhân thoái hóa khớp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!