Vi chất dinh dưỡng (VCDD) tuy chiếm một lượng nhỏ trong cơ thể nhưng lại không thể thiếu. Khoa học đã chứng minh, thiếu VCDD gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em.
Thiếu triền miên
Việc bổ sung vi chất cho trẻ được thực hiện định kỳ hàng năm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ thiếu VCDD vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong cả nước. Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - PGS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên nhân do chế độ ăn của người dân không đáp ứng đủ nhu cầu VCDD của cơ thể.
Cũng theo PGS Lê Danh Tuyên, năm 1995, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đã thanh toán tình trạng thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng tỷ lệ người dân thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn ở mức cao. Theo đó, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%, có sự chênh lệch giữa các vùng miền, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ này lên tới 16%.
Với tình trạng thiếu sắt, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, có 32,8% phụ nữ có thai, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (42,7 - 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Tỷ lệ thiếu máu thấp hơn là khu vực nông thôn và thành phố với tỷ lệ tương ứng là 26,3 và 20,8%. Tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, nhưng giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (> 20%). Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6% (trẻ em); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu. Bên cạnh đó, có tới 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng.
Vitamin D và canxi là 2 vi chất luôn trong tình trạng thiếu phổ biến. Điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy tỷ lệ thiếu và không đủ/thấp vitamin D là 17% và 40% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là 21% và 37% ở trẻ em. Nếu sử dụng ngưỡng là 75 nmol/L thì tỷ lệ thiếu vitamin D tương ứng là 90% ở cả phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.
I-ốt, một vi chất đã từng có mặt ở mọi gia đình thì nay lại rơi vào trạng thái thiếu hụt. Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong thời gian 2010 - 2015 cho thấy, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi là 9,8%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu I-ốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi < 5% và mức trung vị I-ốt niệu > 10 mcg/dl, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%.
Thanh toán nạn thiếu vi chất dinh dưỡng
Thiếu VCDD được coi là nạn đói tiềm ẩn, khó phát hiện. Phòng chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Việt Nam.
ThS.BS Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa VCDD (Viện Dinh dưỡng) cho biết: Hiện nay, I-ốt, sắt, kẽm và vitamin A là những vi chất bắt buộc phải bổ sung vào thực phẩm như muối ăn, bột mỳ, dầu thực vật.
6 cách ăn uống khiến trẻ còi cọc, ốm yếu vào mùa hè
Nước hầm xương có tốt cho trẻ nhỏ không?
Những điều cần biết về thuốc ferrovit bổ sung sắt
Tham khảo chế độ dinh dưỡng vàng cho trẻ 5 tuổi
Những lưu ý cần “thuộc nằm lòng” khi cho bé ăn dặm hoa quả
Tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Vấn đề còn lại là truyền thông và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công phòng chống thiếu VCDD.
Giải pháp quan trọng nữa trong phòng chống thiếu VCDD là nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân, khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, lựa chọn các thực phẩm tăng VCDD. Thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Ngày vi chất năm nay (1 - 2/6) sẽ có 5.000.000 trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, 500.000 bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A tại 63 tỉnh/thành.
- Tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao còn được mở rộng đối với trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi (có 1.100.000 trẻ) và hoạt động tẩy giun sẽ được triển khai cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi.
Theo Giáo dục và Thời đại
>>>Xem thêm:Phát động ngày Vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2017
>>>Xem thêm:Người Việt thấp còi bởi bữa ăn hằng ngày vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!