Bệnh đặc biệt phát triển vào thời tiết giao mùa
Theo ThS.BS Lê Trần Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, nặng có thể gây nhức đầu. Từ các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác viêm mũi dị ứng bệnh nhân cần làm xét nghiệm với dịch mũi, test lẩy da. Viêm mũi dị ứng có hai loại: do mùa và quanh năm. Trong đó, viêm mũi quanh năm khó điều trị hơn, trong khi nhiều người Việt Nam lại mắc loại viêm mũi dị ứng này.
Viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái cho người bệnh vì người bệnh liên tục sụt sịt mũi, hắt xì. Ngoài ra, tăng nghẹt mũi còn làm người bệnh nhức đầu, không thể tập trung. Nghẹt mũi nhiều khiến người bệnh phải thở bằng miệng làm tăng nguy cơ viêm phế quản, không ngủ được. Khi nghẹt mũi kéo dài không được điều trị sẽ dẫn đến viêm xoang...
Các bác sĩ cho biết hiện có rất nhiều người mắc bệnh viêm mũi dị ứng với 15-20% dân số mắc bệnh. Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2015, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận hơn 336.000 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó khoảng 15% được chẩn đoán viêm mũi dị ứng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng các loại dị nguyên gây viêm mũi dị ứng: Thường do các vật lạ bay lẫn trong không khí như phấn hoa, bụi nhà, tác động môi trường, các loại hóa chất…
Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản… đều có thể gây dị ứng. Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường thở trên.
Có dị ứng hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, tố chất di truyền của mỗi người. Tiền sử gia đình có vai trò rất quan trọng, cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị dị ứng cao.
Bệnh viêm mũi dị ứng thường khó thể chữa dứt điểm và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh (Ảnh minh họa: Internet)
Khó thể điều trị dứt điểm
Do hầu hết bệnh nhân không tránh được những dị nguyên gây bệnh nên mỗi khi có triệu trứng bệnh, bệnh nhân đều phải uống thuốc. Bác sĩ Quang Minh cho rằng sau điều trị, mỗi năm bệnh nhân chỉ tái phát 1-3 lần đã được coi là điều trị thành công. Với cách điều trị hiện nay, bệnh nhân viêm mũi dị ứng khó được điều trị dứt điểm.
Nhiều bệnh nhân viêm mũi dị ứng nặng phải đến bệnh viện điều trị liên tục. Chỉ có phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu mới điều trị dứt điểm được những trường hợp này.
Đầu tiên bệnh nhân được test để biết được dị ứng với loại dị nguyên nào, rồi được tiêm chất dị nguyên với liều tăng dần, làm cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.
Tuy nhiên, đến nay tại TP.HCM lại không có cơ sở y tế nào điều trị theo phương pháp này do không có nguồn dị nguyên. Bác sĩ Quang Minh đề xuất cần có một đơn vị y tế trong nước nghiên cứu chế xuất các dị nguyên tại Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân, còn nguồn dị nguyên từ nước ngoài có thể không phù hợp.
Bác sĩ Quang Minh khuyên ngoài việc phải phòng tránh những dị nguyên có khả năng gây dị ứng, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để sử dụng những loại thuốc điều trị an toàn và ít gây tác hại.
Hiện có nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc được quảng cáo là các bài thuốc gia truyền, chữa dứt bệnh, nếu người bệnh tự mua uống sẽ nguy hại vì có thể có chứa corticoid.
Người bị viêm mũi dị ứng nên đeo khẩu trang ở môi trường chứa nhiều dị nguyên gây bệnh (Ảnh minh họa: Internet)
Cách hạn chế bị viêm mũi dị ứng
Việc điều trị viêm mũi dị ứng hiện nay đối với cả Đông và Tây y đều rất khó khăn, hầu như chỉ có thể giúp thoát khỏi các triệu chứng khó chịu trong một thời gian nhất định và bệnh sẽ tái phát khi gặp các tác nhân gây dị ứng.
Đối với người mắc chứng này, các bác sĩ chuyên khoa có đưa ra một số lưu ý để giúp hạn chế cơn khởi phát.
Nên hạn chế đi lại vào mùa phấn hoa. Tránh tiếp xúc các tác nhân dị ứng như giảm bụi trong nhà cũng như ngoài đường, tránh tiếp xúc lông động vật, hoa có mùi thơm hoặc nhiều phấn, mùi lạ, khói thuốc lá.
Khi có hiện tượng ngứa mắt mũi, tránh dụi mắt, mũi. Đặc biệt, phải giữ ấm cơ thể vào buổi sáng.
Không nên nuôi chó, mèo trong nhà, nhất là trong gia đình có người bị bệnh dị ứng.
Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm để hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng mò, mạt.
Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình tôm, cua, ốc.
Khi đi ra đường hoặc lúc quét, dọn nhà cần đeo khẩu trang. Những người có cơ địa dị ứng cần tránh lạnh đột ngột tắm, phòng máy lạnh...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!