Phụ nữ mang thai
Theo BS CK II Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa A2, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, thời tiết lạnh sâu phụ nữ đang mang thai cần đặc biệt chú ý đến việc giữ ấm cơ thể, thời tiết lạnh sẽ làm tăng nguy cơ sản giật, cảm nhiễm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Phụ nữ mang thai cần lưu ý giữ ấm, tránh đi ra ngoài khi trời lạnh, tăng cường ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Đối với phụ nữ sau sinh ở nơi tránh gió, thời tiết mùa đông, nếu có điều kiện thì dùng điều hòa ấm ở nhiệt độ 28 độ C.
Tuyệt đối, không đốt than để sưởi ấm sẽ rất nguy hiểm tăng nguy cơ ngộ độc, thậm chí tử vong do thiếu oxy.
Trẻ nhỏ
Khi thời tiết lạnh, độ ẩm trong không khí và nhiệt độ thấp khiến cho các loại vi khuẩn,virus có điều kiện phát triển là cơ thể dễ bị bệnh, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp.
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất vì sức đề kháng kém do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh.
Trẻ nhỏ sức đề kháng kém dễ bị mắc bệnh khi thời tiết lạnh sâu.
Các bệnh hay gặp trong điều kiện này là: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen, cảm cúm, viêm mũi, viêm mũi họng cấp... Ngoài ra, trẻ còn hay bị các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn và một số bệnh khác như viêm da, quai bị, thủy đậu...
Theo PGS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ mắc bệnh nhất khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Trẻ khi đến khám là có thể buổi tối vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chơi đùa tốt nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp, đến sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè.
Để phòng ngừa, bố mẹ nên cho trẻ mặc đủ ấm, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng trong những ngày chuyển lạnh.Chú ý vệ sinh, ăn chín uống sôi để đề phòng bệnh tiêu hóa và bệnh ngoài da.
Bên cạnh đó, cần phải tiêm phòng đầy đủ và nếu có biểu hiện của bệnh nên khám bác sĩ nhi khoa sớm để tránh bị biến chứng nặng lên không đáng có.
Người già
Thời tiết lạnh kéo dài người già khả năng thích nghi của cơ thể kém sẽ rất dễ phải nhập viện. Đặc biệt với có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên.
Thời tiết lạnh sẽ trở thành thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch, bởi những biến chứng nguy hiểm dễ dàng xảy ra như huyết áp tăng, đột quỵ...
GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E khuyến cáo: 'Khi thời tiết mưa, lạnh hay nắng nóng đột ngột dễ dẫn tới bệnh động mạch vành. Khi khí hậu thay đổi, khí áp không ổn định, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu oxy. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn.
Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong'.
Phòng đột quỵ ở người già hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh, đi ngủ đúng giờ, thường xuyên luyện tập để nâng cao sức khỏe, ăn đủ bữa, bổ sung thêm hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt.
Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, chủ động khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì… nhằm kiểm soát sức khỏe tốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!