Trời se lạnh, độ ẩm trong không khí rất thấp, nhiệt độ môi trường không cao khiến cho các loại vi-rút nguy hiểm cho trẻ sơ sinh có điều kiện bùng phát, đe dọa đến sức khỏe của bé. Trẻ sơ sinh sức đề kháng kém, khả năng chống chọi với bệnh tật còn yếu, nguy cơ nhiễm bệnh từ các loại vi-rút này cao hơn rất nhiều.
Dưới đây là một số loại vi-rút nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi trời trở lạnh mẹ cần đặc biệt chú ý để có biện pháp phòng tránh:
1. Vi-rút cảm cúm
Khi trời trở lạnh, trẻ nhỏ và cả người lớn cũng thường mắc bệnh cảm cúm. Thực chất, cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có nguyên nhân là do các loại vi-rút, trong đó vi-rút ở mũi và ở vòm họng là phổ biến nhất, bao gồm hai loại là enteroviruses và coxsackieviruses.
Khi bị cảm cúm, trẻ thường bị tắc mũi hoặc chảy nước mũi. Trẻ cũng có một số dấu hiệu khác như sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, hắt hơi, ho, sưng hạch, đau họng. Cảm cúm làm giảm sự thèm ăn ở trẻ, khiến trẻ khó chịu, khó ngủ, chán ăn. Một số trẻ còn bị tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa...
Theo các bác sĩ chuyên nhi khoa, với trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ ngay khi bé có những dấu hiệu nhiễm cảm cúm đầu tiên vì cơ thể bé còn rất non nớt, nếu không khám chữa bệnh kịp thời sẽ biến chứng từ cảm cúm thành viêm thanh khí quản, viêm phổi hoặc các bệnh tật nghiêm trọng khác.
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn kém nên rất dễ nhiễm vi-rút gây bệnh (Ảnh minh họa: Internet)
2. Vi-rút gây viêm phổi
Viêm phổi cũng là một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm mà trẻ sơ sinh thường phải đối mặt khi trời trở lạnh. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh chiếm 60 – 70% là do vi-rút, bao gồm vi-rút hợp bào hô hấp, vi-rút cúm, á cúm và adenovirus.
Khi bị viêm phổi, trẻ sẽ có rất nhiều triệu chứng, tiêu biểu như bị sốt, hoặc hạ thân nhiệt, mệt mỏi. Trẻ ăn kém, môi khô, lưỡi không được sạch, hơi thở có mùi. Trẻ cũng thường xuyên ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm xanh. Khó thở, cánh mũi phập phồng liên tục cũng là biểu hiện của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh mà mẹ không nên bỏ qua.
Đặc biệt, nhịp thở của trẻ khi bị viêm phổi luôn nhanh hơn hẳn so với lứa tuổi. Với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở ≥ 60 lần/phút, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng, nhịp thở ≥ 50lần/phút, từ 1-5 tuổi là ≥ 40lần/phút và trên 5 tuổi là > 30 lần/phút.
Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ nên nhanh chóng cho bé đi khám tại bệnh viện gần nhất vì bệnh viêm phổi rất nguy hiểm, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong vì bệnh viêm phổi là rất cao.
3. Vi-rút tiêu chảy cấp
Các bệnh liên quan tới tiêu hóa cũng khá phổ biến và gây nguy hiểm với trẻ sơ sinh khi trời trở lạnh. Một trong số đó là bệnh tiêu chảy cấp. Khi bị tiêu chảy cấp, trẻ sơ sinh sẽ có biểu hiện đi tiêu phân lỏng, phân có nhiều nước trên 4 lần trong 24 giờ. Trong số các nguyên nhân gây tiêu chảy cấp, vi-rút Rota là nguyên nhân chính. Tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavi-rút phải nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavi-rút.
Để phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ, trẻ cần được cho bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Đến thời kỳ ăn dặm, mẹ cần cho bé ăn dặm đúng cách, đảm bảo vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Các thực phẩm cho bé ăn phải an toàn, sạch, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách. Cha mẹ khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn phải luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Bé cũng cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavi-rút. Khi bé có các dấu hiệu tiêu chảy cấp, mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ vì với trẻ nhỏ bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và khó có thể kiểm soát.
Trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp, mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi cho bé (Ảnh minh họa: Internet)
Ngoài ra, mẹ cần chú ý chịu khó tiệt trùng vệ sinh những dụng cụ nuôi trẻ hàng ngày như bình sữa, núm ti, ti ngậm, các hộp đựng thức ăn… để bảo vệ hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện của con được khỏe mạnh, cũng như góp phần hạn chế, ngăn chặn nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa…
4. Vi-rút gây viêm họng
Thời tiết lạnh bé rất dễ bị viêm họng. Trong số các nguyên nhân gây bệnh, vi-rút là nguyên nhân chủ yếu, bao gồm các loại vi-rút influenza, rhino và adeno . Viêm họng do vi-rút thường nằm trong trường hợp trẻ bị cảm, cúm.
Khi bị viêm họng do vi-rút, trẻ thường có các triệu chứng như sưng đau, tấy đỏ họng, sổ mũi, nghẹt tắc mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt. Trẻ cũng có thể bị sốt nhẹ, đôi khi nôn, hoặc nổi hạch.
Khi trẻ sơ sinh bị viêm họng, mẹ nên cho bé đến bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán chính xác loại bệnh. Tùy theo tình trạng bệnh cũng như sức khỏe, độ tuổi của trẻ mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp nhất.
Trên đây là một số loại vi-rút nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi trời lạnh mà cha mẹ nên biết để có thể phòng tránh các nguy cơ gây bệnh, cũng như nhận diện được một số triệu chứng bệnh của trẻ để có phương án giải quyết hợp lý, kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!