Bạn đã nghe đến cụm từ hội chứng hoảng loạn là gì chưa? Nó là một loại bệnh như thế nào và có ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta ra sao?
Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc ấy qua bài viết dưới đây.
Hội chứng hoảng loạn là gì?
Chứng hoảng loạn là thuật ngữ chỉ tình trạng lo âu quá mức (khó kiểm soát) xuất hiện đột ngột. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng lo âu có liên quan mật thiết đến chứng hoảng loạn. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy hoảng loạn quá mức một cách đột ngột – tình trạng này còn gọi là cơn hoảng loạn.
Hội chứng hoảng loạn và những triệu chứng, biểu hiện
Những người thường trải qua chứng hoảng loạn thường sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
- Tim đập nhanh và bất thường (thường có cảm giác tim đập mạnh đến mức nhảy khỏi lồng ngực)
- Đổ mồ hôi nhiều không rõ nguyên nhân
- Run rẩy
- Cảm giác ngột ngạt hoặc nghẹt thở
- Tức ngực
- Buồn nôn
- Choáng váng, hoa mắt
- Đau đầu nhẹ
- Cảm thấy tê hoặc đau nhói ở tay, chân.
Hội chứng rối loạn có phải do yếu tố di truyền gây ra?
Đúng vậy, cơn hoảng loạn và hội chứng này có xu hướng di truyền giữa các thành viên trong gia đình. Trên thực tế, trong hầu hết các ca bệnh được chẩn đoán là mắc chứng hoảng loạn, khoảng 15% thành viên gia đình người bệnh cũng có tiền sử mắc hội chứng này.
Chứng hoảng loạn phổ biến ở nam hay nữ giới?
Phụ nữ được chẩn đoán có nguy cơ mắc chứng hoảng loạn cao gấp đôi so với nam giới.
Người ở độ tuổi nào có thể thường mắc phải hội chứng hoảng loạn?
Mặc dù hội chứng hoảng loạn là tình trạng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên nói chung nó có xu hướng bắt đầu ở đầu giai đoạn trưởng thành.
Chẩn đoán hội chứng hoảng loạn
Sau khi tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh tật của người bệnh, chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ có thể chẩn đoán liệu họ có mắc chứng hoảng loạn hay không. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh trong khi người bệnh đang trải qua cơn hoảng loạn, hoặc sau khi họ đã bình tĩnh lại.
Biện pháp điều trị chứng hoảng loạn
Trong trường hợp khẩn cấp, người bệnh mắc chứng hoảng loạn có thể được kê toa uống các loại thuốc an thần (chống lo âu) có tác dụng ngay lập tức. Thuốc an thần sẽ giúp người bệnh giảm bớt cơn hoảng loạn, đồng thời xoa dịu cảm giác đuối sức do hoảng sợ. Để người bệnh tránh gặp phải các cơn hoảng loạn trong tương lai, bác sĩ sẽ kê đơn cho họ một số loại thuốc an thần hoặc chống trầm cảm.
Ngoài ra, liệu pháp điều trị theo định hướng nghiên cứu hành vi người bệnh cùng tiền sử gia đình sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị cho những bệnh nhân mắc chứng hoảng loạn.
Hội chứng hoảng loạn có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống người bệnh?
Khoảng 50% người mắc chứng rối loạn hoảng loạn có thể hồi phục hoàn toàn. Khoảng 20% người bệnh sẽ gặp phải các cơn hoảng loạn liên tục trong thời gian dài. Nghiên cứu cho thấy hơn 50% những người trải qua cơn hoảng loạn hoặc lo âu nghiêm trọng sẽ mắc chứng trầm cảm. Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị chứng trầm cảm vì nó có thể giúp làm giảm bớt hoặc đẩy lùi chứng hoảng loạn nói chung.
Nếu bạn mắc phải chứng hoảng loạn, hãy tránh để bản thân cảm thấy áp lực, quá tải hoặc căng thẳng. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn. Mong rằng bài viết đã mang lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sử dụng điện thoại thông minh mỗi ngày có thể khiến bạn trầm cảm?
- Thú cưng bị bệnh cũng khiến chủ nhân bị trầm cảm
- Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo lắng ở nữ giới
- Chứng lo âu có thật sự đáng sợ như bạn vẫn nghĩ?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!