ThS Đinh Văn Tài: Cảm giác tim ngừng đập khi uống rượu

Cần biết - 04/30/2024

Loạn nhịp tim dễ xuất hiện sau khi lạm dụng rượu như ngoại tâm thu, bệnh nhân thường cảm thấy tim thỉnh thoảng bỏ một vài nhịp.

Câu hỏi: Tôi thỉnh thoảng uống rượu. Mỗi khi say, tim tôi thường đập nhanh, khi đó tôi thấy khó thờ và khi ngồi dậy tim tôi đập chậm lại và đứng hẳn trong vài giây. Tôi thấy hoa mắt, chóng mặt, có khi phải lấy tay vỗ vào ngực nếu không thì ngã xuống đất và mới có cảm giác tim đập lại. Vậy tôi xin hỏi sức khỏe tôi như thế nào và xin bác sĩ lời khuyên!

ThS Đinh Văn Tài: Cảm giác tim ngừng đập khi uống rượu

Trả lời:

ThS. Đinh Văn Tài - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế, cho biết:

Nhịp tim nhanh có rất nhiều nguyên nhân gây ra, từ những nguyên nhân đơn giản đến phức tạp như thay đổi trạng thái cảm xúc (hồi hộp, lo âu), do sử dụng các chất kích thích (bia rượu, thuốc lá), các rối loạn bệnh lý (rối loạn thần kinh thực vật, bệnh lý loạn nhịp tim, bệnh rối loạn chuyển hóa, nội tiết, bệnh tại tim, bệnh phổi,….).

Trường hợp của bạn, với những thông tin đã nêu thì chưa thể xác định được có phải thực sự là do bệnh lý gây ra hay không. Hơn nữa, do phát hiện nhịp tim nhanh vào lúc uống say nên các thông tin có thể sẽ chưa đầy đủ và kém chính xác hơn. Các tình trạng liên quan tới rối loạn nhịp tim cần được xác định cả trong trường hợp không say, trong sinh hoạt hàng ngày ra sao, cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tuy nhiên, những biểu hiện mà bạn mô tả như khó thở, tim đập nhanh, nhịp đập không đều và có nhịp dừng, hoa mắt chóng mặt là biểu hiện cần quan tâm. Các biểu hiện này rất có thể là các dấu hiệu bệnh lý của hệ tim mạch nên cần phải được khám và xử lý sớm.

Do vậy, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về tim mạch, hoặc khoa nội tim mạch của các bệnh viện đa khoa để kiểm tra tình hình sức khỏe tim mạch. Ngoài việc khám kiểm tra trực tiếp như đo mạch, huyết áp, nghe tim, quan sát các biểu hiện bên ngoài của cơ thể, bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm: điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu,… để xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!