ThS Vũ Thị Tuyết Mai: Khắc phục tình trạng đau nhức khi ngủ dậy

Cần biết - 11/24/2024

Để giảm đau nhức toàn thân khi ngủ dậy, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị dưới đây.

ThS Vũ Thị Tuyết Mai: Khắc phục tình trạng đau nhức khi ngủ dậy

Đau nhức khi ngủ dậy thường là do nằm ngủ sai tư thế, khiến cơ bắp và các mạch máu bị chèn ép, hoặc gân cơ căng quá lâu. Việc cung cấp ôxy cho các tế bào cơ kém đi, khiến một lượng lớn a-xít lactic được giải phóng, gây đau mỏi cơ. Vị trí đau thường gặp nhất là bả vai, cánh tay và cổ, lưng, hông, sườn.

Một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cơ khiến dễ bị đau nhức khi ngủ dậy, bao gồm: Thói quen ngồi trước quạt, máy lạnh; Đi nắng không đội nón hoặc bị nắng chiếu vào gáy; bị ngấm nước mưa; Gội đầu và tắm vào ban đêm; Làm công việc ít vận động (dân văn phòng) hoặc phải ngâm tay chân nhiều trong nước (như giặt quần áo, rửa bát); Cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên, thấp khớp, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch; Mang thai hoặc mới sinh con; Hút thuốc lá.

Nếu bị đau nhức khi ngủ dậy, bạn không nên tự điều trị bằng cách xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc rượu, kem có chứa mantol, eugenol vì chúng sẽ tạo cảm giác nóng trên da, giúp giảm đau tức thời nhưng sau một thời gian ngắn sẽ tái phát. Bạn cũng không nên cạo gió, làm các động tác xoay vặn cổ, vặn tay, bẻ lưng vì có thể khiến đau nặng hơn.

Để giảm đau và phòng ngừa đau nhức khi ngủ dậy, ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế khuyên người bệnh nên:

- Xông hơi giúp giãn mạch và giãn cơ; đồng thời kích thích hô hấp để tăng nồng độ ôxy trong máu.

- Nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong vài ngày; bổ sung canxi, kali và các vitamin C, B.

- Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc xoa bóp, chườm nóng trước khi ngủ. Tập thói quen nằm ngủ ở tư thế thoải mái không gây chèn ép cơ bắp.

- Thở ôxy nồng độ cao có thể giúp giảm đau nhức.

- Dùng thuốc giãn cơ có hiệu quả trong một số trường hợp co thắt nhưng có thể gây tác dụng phụ.

- Tiêm tê tại chỗ giúp cắt cơn đau tốt, nhưng không nên lạm dụng vì có thể gây phù nề tại chỗ tiêm.

Trường hợp đã thực hiện một số cách như trên nhưng bệnh không thuyên giảm thì cần đi khám nội khoa để được xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh đau nhức toàn thân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!