Các chuyên gia của Trung tâm ung thư Parkway, Singapore, giải thích ung thư cổ tử cung là ung thư ác tính xuất phát từ các mô của cổ tử cung (cơ quan kết nối tử cung và âm đạo). Loại ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) xuất phát từ tình trạng nhiễm virus u nhú ở người (HPV). Các loại ung thư khác ít phổ biến hơn gồm ung thư biểu mô tuyến, biểu mô tế bào nhỏ, tuyến vảy, sarcom tuyến, hắc tố và bạch huyết, chiếm chưa tới 20% tổng số trường hợp ung thư cổ tử cung.
Vị trí của cổ tử cung trong cơ quan sinh dục nữ.
Có khoảng 150 loại HPV với đường lây phổ biến nhất là qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên chỉ gần 20 loại thực sự gây ra ung thư cổ tử cung và các ung thư khác như âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn và sau họng.
Con đường dẫn đến ung thư cổ tử cung thường bắt đầu bằng việc nhiễm trùng HPV ở cổ tử cung. Nếu nhiễm trùng không khỏi sau một thời gian nhất định có thể xuất hiện các tế bào bất thường ở lớp niêm mạc bên trong. Những tế bào này có thể phát triển các biến đổi tiền ung thư, tiền xâm lấn, được gọi là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN). Nếu không điều trị, CIN có thể trở thành ung thư xâm lấn.
Nghiên cứu cho thấy không phải tất cả những người nhiễm HPV sẽ bị ung thư. Trên thực tế, phần lớn nhiễm trùng như vậy đều tự khỏi, đến 90% các trường hợp. Một số loại virus gây ra mụn cóc sinh dục khiến bạn đau và khó chịu nhưng không phải ung thư.
Các chuyên gia khuyến cáo hầu hết các ca mắc ung thư cổ tử cung đều có sự hiện diện của virus HPV và phụ nữ đã quan hệ tình dục có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Đặc biệt những người có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với người có nhiều bạn tình, đối mặt với nguy cơ lớn hơn. Nhóm phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục không bảo vệ trước 16 tuổi đối mặt với nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao nhất.
Theo thống kê, phụ nữ từ 17 đến 20 tuổi có nguy cơ mắc HPV cao nhất, hầu hết trường hợp CIN là các cô gái trẻ tuổi. Những phụ nữ có tiền sử các bệnh lây qua đường tình dục như mụn rộp hoặc mụn cóc cũng có nguy cơ cao hơn. Hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV, uống thuốc tránh thai lâu dài cũng vậy. Phụ nữ có hệ miễn dịch yếu cũng đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nhiễm trùng HPV, song bệnh này có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm văcxin. Hai loại văcxin Cervarix và Gar-dasil đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận an toàn và ngăn ngừa từ 70 đến 80% nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Hai loại thuốc này được chia thành 3 liều tiêm trong vòng 6 tháng cho các bé gái trước khi bắt đầu quan hệ tình dục lần đầu tiên để đạt được hiệu quả cao nhất.
Các bác sĩ khuyên nên dùng các văcxin ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Tuy nhiên, văcxin không đảm bảo 100% bạn sẽ không nhiễm HPV hoặc không mắc ung thư cổ tử cung. Các văcxin chỉ có thể ngăn chặn một số chủng có nguy cơ cao, vì thế phụ nữ được khuyên nên để ý tới các triệu chứng và đi khám tầm soát định kỳ để đảm bảo phát hiện ung thư sớm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!