Thu về, cẩn trọng bệnh viêm mũi dị ứng tái phát

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Điều trị viêm mũi dị ứng gồm: phòng tránh dị nguyên, điều trị bằng thuốc, điều trị miễn dịch và giáo dục bệnh nhân

Vừa ra khỏi giường là chị Hà (35 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã hắt hơi ầm ĩ, chảy nước mũi. Bác sĩ xác định chị bị viêm mũi dị ứng, chỉ có thể phòng tránh bệnh chứ không chữa được.

Vào những buổi sáng lạnh mùa thu và đông, chị Hà hay tái phát bệnh. Chị đã đổi khám không biết bao nhiêu bác sĩ, uống nhiều loại thuốc nhưng tình hình không cải thiện nhiều. Có lần chị bị biến chứng viêm xoang, viêm tai giữa phải uống kháng sinh hàng tuần liền. 'Uống thuốc không khỏi, tôi đành nghe lời khuyên của bác sĩ là sống chung với nó. Lạnh thì cố giữ ấm, tập thể dục, ăn uống tốt… để nâng cao sức đề kháng. Thấy có biểu hiện ốm là đi khám ngay', chị Hà nói.

Theo các bác sĩ, trường hợp như chị Hà tại Việt Nam không hiếm gặp. Viêm mũi dị ứng là rối loạn tiếp xúc với dị nguyên gây viêm niêm mạc mũi dẫn đến các triệu chứng đặc trưng như chảy mũi, tắc mũi, ngứa mũi và hắt hơi. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh có xu hướng tăng lên ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chiếm tỷ lệ 10-15% dân số. Hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu người mắc chứng bệnh này.

Thu về, cẩn trọng bệnh viêm mũi dị ứng tái phát

Khi mới khởi phát, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ở mũi, họng, mắt, ống tai; tiếp theo là cơn hắt hơi liên tục, thậm chí hắt hơi mấy chục cái, kèm theo là ngạt mũi và chảy mũi dịch trong, đôi khi chảy ròng ròng như nước mưa. Trẻ có thể không hắt hơi mà chỉ ngạt mũi và chảy mũi nước trong. Trong khi đó, một số người lớn cũng có thể chỉ chảy nước mũi trong. Cơn dị ứng đến đột ngột nhưng sau đó biến đi rất nhanh và cơ thể có thể trở về trạng thái bình thường. Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống và chi phí để khám chữa bệnh ngày càng tăng, tiến sĩ Dinh cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, bệnh được phân thành 2 loại: theo mùa, quanh năm hoặc viêm mũi nghề nghiệp. Việc chẩn đoán bệnh dựa vào lâm sàng là chính, khi có 2 trong các dấu hiệu sau: kéo dài trên một giờ và hầu hết các ngày có chảy nước mũi trong, hắt hơi nhiều, đôi khi liên tục, tắc mũi, ngứa mũi, các biểu hiện trên có thể hoặc không kèm theo viêm kết mạc. Bệnh thường phối hợp với các bệnh mãn tính khác như hen, viêm tai giữa tiết dịch, viêm mũi xoang, VA và phì đại amidan, bệnh polyp mũi, viêm kết mạc…

Nguyên nhân gây bệnh có thể do cơ địa nhạy cảm. Theo điều tra cho thấy, nếu mẹ có bệnh dị ứng thì tỷ lệ mắc bệnh này ở con cái tới 65%. Một số do tiếp xúc với các dị nguyên như hít phải bụi nhà, lông mèo, phấn hoa sơn hoặc do ăn trứng gà, sữa bò… Trong một số trường hợp, thời tiết thay đổi đột ngột (độ ẩm, độ ấm) cũng là tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt viêm mũi dị ứng với một số bệnh viêm mũi không dị ứng, như viêm mũi do nhiễm trùng, thuốc, nội tiết... Nhóm bệnh này có các biểu hiện đặc trưng như chảy mũi sau, chảy mũi đặc màu xanh hoặc vàng, đau ở vị trí xoang mặt, triệu chứng chỉ ở một bên mũi...

Theo các chuyên gia, chiến lược quản lý bệnh gồm 4 nguyên tắc: phòng tránh dị nguyên, điều trị bằng thuốc, điều trị miễn dịch và giáo dục bệnh nhân. Đầu tiên, người bệnh cần giảm tiếp xúc với các dị nguyên. Trong một số trường hợp nếu làm tốt điều này thì không cần điều trị thêm. Cụ thể, không tiếp xúc với chất tiết của vật nuôi, làm giảm nấm mốc bằng cách giảm độ ẩm môi trường, hạn chế mở cửa để giảm tác động của phấn hoa vào nhà trong mùa hoa nở, tăng cường giặt gối đệm ga trải giường bằng nước nóng diệt côn trùng và sử dụng bộ lọc không khí.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê cho bệnh nhân các thuốc kháng histamin có tác dụng giảm triệu chứng của bệnh. Nếu cần thiết có thể điều trị miễn dịch, cụ thể là đưa vào trong cơ thể một lượng dị nguyên tăng dần qua đường tiêm dưới da hoặc đường tại chỗ (mũi hoặc dưới lưỡi). Dù vậy qua đường tiêm có thể gây tác dụng không mong muốn như gây cơn hen nặng và phản ứng quá mẫn. Vì thế, chỉ tiến hành biện pháp này bởi các thầy thuốc chuyên khoa, những người hiểu rõ được nguy cơ và có thể xử trí được nếu nó xảy ra.

Người bệnh cần cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp, đồng thời chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi; không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi; ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh; tránh uống ruợu, hít khói thuốc lá…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!