Thức ăn phù hợp cho trẻ ăn dặm

Dinh dưỡng cho Trẻ - 05/07/2024

Hello Bacsi giới thiệu 5 món ăn bạn có thể đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé, giúp thực đơn của bé phong phú hơn nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Thông thường, các loại ngũ cốc nguyên hạt thường được đề xuất đầu tiên để mẹ có thể cho bé ăn khi bé bắt đầu vào tuổi ăn dặm. Tuy nhiên, không hề có một minh chứng y khoa nào cho thấy rằng thứ tự đề xuất thức ăn dặm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Mặc dù nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên cho bé ăn rau trước khi ăn trái cây, nhưng không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng con bạn sẽ có xu hướng ghét ăn rau hoặc cho thấy bé có thể bị dị ứng nếu ăn trái cây trước khi ăn rau. Sau đây là một số món ăn bạn có thể đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé:

1. Ngũ cốc

Nhiều bé rất thích ăn ngũ cốc. Bạn có thể sử dụng những loại ngũ cốc đã được trộn sẵn hoặc dùng dưới dạng khô và có thể trộn với sữa bột, sữa mẹ hoặc nước. Bạn cũng có thể cho bé ăn ngũ cốc đã chế biến sẵn. Hãy thay đổi độ đặc hoặc loãng của ngũ cốc sao cho phù hợp với bé. Bất cứ khi nào bạn cho bé ăn món gì, hãy chắc chắn rằng thức ăn đó được chế biến dành riêng cho trẻ nhỏ. Điều này sẽ giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng bé cần trong lứa tuổi này và những thức ăn này không bổ sung quá nhiều muối.

2. Thịt xay nhuyễn

Nếu bé chủ yếu được cho bú sữa mẹ, bé có thể cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ các loại thịt xay nhuyễn có chứa sắt và kẽm. Khi bé được 6 tháng tuổi, cơ thể bé sẽ dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này.

3. Nước lọc

Ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột, nước chính là món đồ uống lành mạnh khác cho trẻ. Các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng không để trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng nước ép trái cây vì nước trái cây cung cấp chất dinh dưỡng không có lợi cho trẻ ở lứa tuổi này. Sau độ tuổi này, trẻ có thể sử dụng nước trái cây nhưng ở một lượng hạn chế, và bạn cũng cần biết rằng uống nước ép trái cây sẽ không tốt như ăn trái cây tươi. Trẻ sơ sinh không nên dùng nước trái cây để điều trị hay phòng ngừa mất nước khi bị tiêu chảy. Việc cho trẻ sơ sinh và trẻ em uống nước trái cây có thể khiến trẻ hình thành thói quen uống nước ngọt thường xuyên và điều này có thể làm tăng nguy cơ tăng cân hoặc béo phì.

Nếu bé có vẻ khát giữa các bữa ăn, hãy cho bé bú sữa hoặc cho bé uống thêm nước nhưng với những ngụm nhỏ. Nếu thời tiết nóng nực, bé rất dễ bị mất nước do đổ mồ hôi thường xuyên. Do đó, bạn nên cho bé uống nước nhiều hơn bình thường 2 hoặc 3 lần mỗi ngày.

4. Thực phẩm chứa vitamin D

Mặc dù các nhà khoa học khuyến cáo rằng bạn nên cho con bú bằng sữa mẹ trong mười hai tháng đầu tiên, nhưng sữa mẹ lại không chứa đủ vitamin D. Vì vậy bạn nên bổ sung vitamin D cho bé để tránh mắc phải các bệnh như còi xương. Mặc dù ánh sáng mặt trời giúp kích thích da sản xuất vitamin D nhưng tất cả trẻ em đều nên được thoa kem chống nắng, trang bị mũ, quần áo che chắn khi ở ngoài trời. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến da không được tiếp xúc với ánh nắng để sản xuất vitamin D. Do vậy, các nhà nghiên cứu đã đề xuất  rằng những trẻ bú sữa mẹ cũng như bú sữa bột nên bắt đầu bổ sung vitamin D ngay sau khi sinh bằng cách dùng viên vitamin D 400 IU bổ sung mỗi ngày. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ nhi khoa để xem xét lượng vitamin D bé cần bổ sung là bao nhiêu.

5. Thực phẩm giàu chất sắt

Trong 4 – 6 tháng đầu tiên, trẻ bú sữa mẹ không có nhu cầu bổ sung thêm sắt vì lượng sắt trong cơ thể mẹ trước khi sinh đã hoàn toàn đủ cho trẻ. Tuy nhiên, lượng sắt dự trữ trong cơ thể bạn sẽ dần cạn kiệt và bên cạnh đó, nhu cầu sắt của bé cũng sẽ tăng dần khi bé lớn lên. Nếu trong thời kì mang thai, bạn mắc phải những biến chứng như bệnh tiểu đường, lúc bé mới sinh có cân nặng thấp hoặc bé sinh non, bé có thể cần được bổ sung thêm sắt. Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn thêm.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các bé không được bú mẹ hoặc chỉ bú mẹ trong thời gian ngắn sẽ cần phải uống sữa bột có bổ sung sắt từ lúc sơ sinh đến mười hai tháng tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng không khuyến khích bạn sử dụng loại sữa bột bổ sung ít sắt vì lượng sắt trong những loại sữa này rất thấp. May mắn thay, khi bạn bắt đầu cho bé ăn dặm, bé sẽ được bổ sung thêm lượng sắt từ thịt, ngũ cốc tăng cường chất sắt dành cho trẻ và thậm chí từ các loại rau xanh. Ví dụ, 60g ngũ cốc pha loãng với sữa mẹ hoặc sữa bột sẽ cung cấp một nguồn chất sắt đáng kể cho bé. Tương tự, thịt cũng là một nguồn giàu sắt.

Hãy liên hệ chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khi bé bắt đầu vào tuổi ăn dặm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!