Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dân số bền vững

Thời sự - 04/25/2024

Trong bối cảnh công tác dân số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, năm 2020 ngành Dân số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chuyển hướng chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng dân số qua việc thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dân số bền vững

Công tác dân số thời gian tới cần chú trọng các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa

Nhiều khó khăn cần giải quyết

Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra mới đây cho thấy, thời gian qua, công tác dân số của nước ta đã có những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, dân số trung bình của cả nước năm 2019 là hơn 96 triệu người. Tổng tỷ suất sinh đạt 2.09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,8%.

Tỷ số giới tính khi sinh giảm xuống còn 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Cả nước có 723 nghìn bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 470 nghìn trẻ được sàng lọc sơ sinh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên…

Trong năm 2019, Bộ Y tế mà trực tiếp là Tổng cục Dân số đã hoàn thiện và trình được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Đề án Truyền thông Dân số đến năm 2030. Hoàn thiện xây dựng Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, các đối tượng đến năm 2030; phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người và các đề án khác đã được phân công tại Nghị quyết 137/NQ-CP.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động về dân số được đẩy mạnh. Chú trọng thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thay thế; đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tiếp tục triển khai Chương trình KHHGĐ tại vùng có mức sinh cao, đảm bảo cung ứng đầy đủ phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân.

Ngoài ra, các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được triển khai rộng khắp trên cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng nhằm thích ứng với già hóa dân số được đẩy mạnh. Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm tăng lên; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, công tác dân số của nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo, đến nay đã có 44 tỉnh thực hiện sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế đa chức năng, tuy nhiên, mô hình tổ chức còn khác nhau, phương thức quản lý không thống nhất, kinh phí đầu tư giảm đã làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ dân số cơ sở, làm giảm hiệu quả hoạt động và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019.

Cùng với đó, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, nơi mức sinh cao tiếp tục tăng lên, nơi mức sinh thấp có xu hướng giảm. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Sự khác biệt giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư về chỉ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn lớn…

Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian tới, công tác dân số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dân số bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án được giao tại Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Tiếp tục chú trọng vào việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, đảm bảo quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con cho tốt. Đảm bảo cung ứng đầy đủ phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình có chất lượng đến với người dân…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn đến công tác dân số. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về công tác dân số tại địa phương mình, nhất là khẩn trương ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Cùng với đó, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng hiệu lực, hiệu quả phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chuyển hướng chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ là việc của ngành Y tế, Dân số mà của toàn xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, việc quan trọng là cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là các Đề án cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW. Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Ngày 24/2, Tổng cục Dân số đã ban hành Công văn số 89/TCDS-TTGD về định hướng thực hiện truyền thông, giáo dục về công tác dân số năm 2020 gửi các Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ của 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, các hoạt động truyền thông năm 2020 tập trung vào tuyên truyền về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!