Thực hư lời đồn nam giới uống tam thất bị yếu sinh lý

Thời sự - 11/24/2024

Vì là vị thuốc dùng để chữa bệnh, bổ sung sức khỏe cho phụ nữ nên nhiều người hiểu sai rằng tam thất gây suy yếu sinh lý ở nam giới. Theo các chuyên gia, đây là lời đồn vô căn cứ.

Bàn về vấn đề này, Ths Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, bệnh viện TƯQĐ 108 đã phủ nhận và cho biết, cổ nhân đã khẳng định tam thất chín còn có tác dụng 'bổ huyết ích khí, tráng dương tán hàn' và nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy tam thất còn có công năng tương tự nội tiết tố sinh dục. Tuy nhiên, vì là vị thuốc chữa bệnh phần huyết nên tam thất được dùng cho phụ nữ nhiều hơn.

Thực hư lời đồn nam giới uống tam thất bị yếu sinh lý

Tam thất là vị thuốc quý. Ảnh minh họa

Theo y học cổ truyền, tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công dụng chỉ huyết (cầm máu), tán ứ (làm hết ứ trệ), tiêu thũng, định thống (giảm đau)... thường được dùng để chữa các chứng bệnh như các chứng xuất huyết, sưng nề tụ máu do trật đả, hung tý giảo thống (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), bế kinh do huyết ứ, thống kinh (hành kinh đau bụng), sản hậu phúc thống do ứ trở (đau bụng sau khi sinh con), sưng nề do viêm nhiễm…

Về cơ bản tam thất là một vị thuốc bệnh với công năng chủ yếu là tán ứ, hoạt huyết, chỉ huyết. Tuy nhiên, các y thư cổ đều cho rằng, tam thất 'năng khứ ứ sinh tân' hay 'hoạt huyết nhi sinh huyết', nghĩa là bản thân tam thất không phải là thuốc bổ huyết nhưng trong các trường hợp khí huyết suy hư mà có ứ trệ thì công dụng hoạt huyết hóa ứ của nó cũng có ý nghĩa bổ huyết, sinh huyết một cách gián tiếp.

Kinh nghiệm dân gian thường hầm cách thủy tam thất với gà choai cũng là nhằm mục đích lấy công năng hoạt huyết sinh huyết của tam thất phối hợp với tác dụng bổ ích khí huyết của thịt gà để thu được hiệu quả bồi bổ khí huyết cao nhất. Với ý nghĩa đó, người ta còn coi tam thất bổ không kém gì sâm và gọi nó là Sâm tam thất hoặc Nhân sâm tam thất.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tam thất có tác dụng cầm máu, hoạt huyết, bảo hộ cơ tim, chống thiếu máu cơ tim, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, chống ôxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ tế bào não trong điều kiện thiếu máu, chống ngưng tập tiểu cầu và sự hình thành huyết khối, trấn tĩnh và bảo hộ tế bào thần kinh, chống viêm, bảo hộ tế bào gan, điều tiết miễn dịch, hạ mỡ máu, chống phóng xạ và ung thư, kháng khuẩn và vi rút, cải thiện khả năng ghi nhớ và làm cho cơ thể cường tráng.

Như vậy, hoàn toàn không có căn cứ nào để cho rằng dùng tam thất có thể làm cho suy giảm khả năng tình dục và sinh sản ở nam giới và ngược lại rất tốt cho chức năng sinh lý cả nam lẫn nữ. Chỉ có phụ nữ đang mang thai và người huyết nhiệt là không nên dùng tam thất.

Thông thường, tam thất được dùng dưới 3 dạng:

1. Dùng tươi, rửa sạch, giã nát và đắp lên tổn thương.

2. Dùng sống, rửa sạch, phơi hay sấy khô rồi thái phiến hay tán thành bột, thường dùng để chữa các chứng như xuất huyết, tổn thương do trật đả, xích lỵ, đại tiện ra máu tươi, đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim, bệnh gan...

3. Dùng chín, hay còn gọi là thục tam thất, rửa sạch, ủ rượu cho mềm rồi thái mỏng sao qua, tán bột hoặc rửa sạch, thái mỏng rồi sao với dầu thực vật cho đến khi có màu vàng nhạt rồi đem tán bột, thường dùng với mục đích bồi bổ cho những trường hợp cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc.

Dùng sống chủ yếu để tán ứ chỉ huyết, tiêu thũng định thống; dùng chín chủ yếu để bồi bổ. Liều dùng thông thường: mỗi ngày sắc uống từ 5 - 10g, uống bột từ 1,5 - 3,5g, dùng ngoài không kể liều lượng.

Thực hư lời đồn nam giới uống tam thất bị yếu sinh lý

Tam thất càng nhiều mấu thì tuổi càng nhiều.

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, chuyên gia bộ Y tế thì khuyên khi sử dụng chữa trị bệnh từ tam thất cần lưu ý chọn lựa củ tam thất có hình giống như con ốc đá hay hình trụ, nhưng theo những người có kinh nghiệm thì củ nào giống ốc đá, màu xám xanh hơi đen hoại nâu, bóng sáng là tốt nhất.

Bên ngoài củ tam thất thường có vết bám vàng ngang hay vết lõm và có cả những lằn dọc không liên tục nữa. Đầu củ có nhiều mấu. Đó là dấu vết của thân cây hàng năm chết đi để lại. Cây càng nhiều mấu thì tuổi càng nhiều là vậy.

Thịt củ tam thất chắc, khó có thể bẻ bằng tay. Nếu dùng vật nặng đập vỡ thì vỏ và lõi thường tách rời nhau. Mặt cắt cũ có màu xám hơi xanh hoặc vàng đất hoại xám trắng. Củ tam thất nào có ruột màu xám xanh, mịn chắc không có vết nứt xốp là tốt nhất.

Các phiến tam thất có màu xám xanh hay xám nâu, mịn chắc không nứt là tốt. Tuy nhiên, cũng như sâm, tam thất già là tốt nhưng quá già thì có thể đã là tốt vì với tam thất, củ nằm dưới đất mà nằm quá lâu thì lại hay bị xơ. Cho nên người ta thường thu hoạch tam thất từ 4 - 6 tuổi. Ở thời gian này, tam thất thường cho chất lượng tốt hơn cả (đó là kinh nghiệm dân gian, còn chờ các nhà khoa học chứng minh).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!